Quả dọc – bí mật trong món canh chua của người Việt

Nguyễn Mai 948

Quả dọc là một loại quả mọc dại, có vị chua dịu. Tại Việt Nam, người ta thường sử dụng quả này để thêm vị chua trong các món canh giải nhiệt. Trong khi đó, người Trung Quốc lại thường dùng chúng trong các bài thuốc Đông y điều trị bệnh tiêu hóa. Vậy hãy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp tìm hiểu về loại quả này nhé!

1. Quả dọc là quả gì? Quả dọc có nguồn gốc từ đâu?

Quả dọc là một thức quả không thể thiếu trong những món canh chua giải nhiệt ngày hè. Quả có hình tròn, khi non, vỏ quả màu xanh nhạt và đậm dần rồi chuyển sang màu vàng khi chín. Loại quả này khi trưởng thành mang một vị chua dịu đặc trưng, làm dậy lên hương vị món ăn. Khi sử dụng, bạn cần nướng chín quả sau đó thêm vào nước canh và dầm nát để vị quả dọc được hòa quyện. Loại quả này có nguồn gốc ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc và Đài Loan và xuất hiện nhiều trong những món ăn dân gian lưu truyền từ thời xưa.

quả dọc
Quả dọc tròn, có vỏ xanh, trơn nhẵn, vị rất chua

2. Quả dọc thu hoạch vào tháng mấy? Trồng ở đâu nhiều nhất?

Mùa thu hoạch của quả dọc kéo dài từ cuối hạ đến đầu thu, cụ thể là tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Tại Việt Nam, cây dọc được trồng nhiều ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Cây dọc là cây lâu năm, dễ trồng và chăm sóc, cho năng suất cao. Chính vì vậy, cây dọc từ lâu đã trở thành nguồn sinh kế quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân nơi đây.

3. Thành phần dinh dưỡng có trong quả dọc

Theo Từ điển Bách khoa Y học Trung Quốc, trong quả dọc có chứa lượng lớn các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất béo, đường. Đồng thời, trong quả này cũng chứa hàm lượng vitamin C cao và có tính axit. Các khoáng chất được tìm thấy trong quả này bao gồm đồng, kẽm, photpho, magie, sắt, kali, natri. Ngoài  ra, quả cũng chứa hàng loạt chất dinh tốt cho cơ thể khác như lysine, alanine, threonine,… 

4. Những lợi ích cho sức khỏe của quả dọc

Trong tài liệu y học cổ truyền của Trung Quốc nêu rõ, quả dọc có khả năng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa lượng nước trong cơ thể. Quả được sử dụng cho điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như nôn mửa, trào ngược dạ dày, khó tiêu,… Tại Quảng Tây, Trung Quốc, người ta thường dùng trái dọc trong điều trị các vết thương ngoài da, chữa bỏng, chàm, viêm loét,… Tuy nhiên, công dụng của loại quả này đến nay vẫn chưa có nghiên cứu y học hiện đại nào khẳng định. Vì vậy, bạn nên cân nhắc đối với các phương pháp điều trị bệnh bằng quả này.

lợi ích của quả dọc
Quả dọc chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển khỏe mạnh

5. Hướng dẫn nấu các món ăn từ quả dọc

Những ngày hè thời tiết nắng nóng, bát canh quả dọc không chỉ đưa cơm mà còn có công dụng bù nước, hạ nhiệt cơ thể. Công thức nấu canh từ loại quả này cũng vô cùng đơn giản với những nguyên liệu quen thuộc.

5.1. Canh chua cá lóc nấu dọc

Canh chua cá lóc quả dọc vốn là món ăn dân dã quen thuộc từ lâu đời nay. Vị chua dịu của dọc hòa quyện với những gia vị khác cho món canh thêm hấp dẫn.

  • Bước 1: Chuẩn bị cá lóc, quả dọc, cà chua, củ nghệ, ngò gai, rau ngổ, gia vị
  • Bước 2: Sơ chế cá, ướp với nghệ và các gia vị trong 30 phút
  • Bước 3: Trái dọc nướng thơm, cạo bỏ vỏ cháy rồi cho vào nồi nước đun sôi
  • Bước 4: Thêm cá cùng cà chua vào nấu đến khi cá chín, nêm gia vị vừa ăn
  • Bước 5: Thêm rau ngổ, ngò gai vào nồi rồi tắt bếp và trình bày ra bát

Ngoài cá lóc, bạn có thể áp dụng cách này với nhiều loại cá khác để nấu canh chua.

5.2. Canh riêu cua nấu dọc

Có thể bạn chưa biết, mẹo để món canh riêu cua trở nên đậm vị chính là nấu với dọc. Lúc này, phần nước riêu cua sẽ có vị chua dịu, mang đậm hương vị đồng quê. Cùng vào bếp với công thức sau nhé!

  • Bước 1: Chuẩn bị cua đồng, mỡ, khế chua, mẻ, mắm tôm, cà chua, quả dọc, hành lá, rau mùi, xà lách, rau thơm, gia vị
  • Bước 2: Cua rửa sạch, tách 2 phần yếm và mai, phần yếm cua cho vào máy xay nhuyễn, phần mai gạt lấy gạch cua
  • Bước 3: Cho phần yếm xay ra một tô lớn, thêm nước và lọc lấy nước cua
  • Bước 4: Trái dọc nướng chín, loại bỏ phần vỏ cháy, cà chua rửa sạch thái miếng, khế cắt theo chiều dọc của quả
  • Bước 5: Phi thơm hành với mỡ rồi chưng gạch cua để được màu vàng bắt mắt
  • Bước 6: Cho khế và cà chua vào đảo qua rồi để riêng
  • Bước 7: Mắm tôm lọc qua rây, cho vào phần nước cua rồi đun sôi đến khi thịt cua nổi lên, vớt ra và để riêng
  • Bước 8: Cho dọc, khế, cà chua, mẻ vào nồi nước cua và tiếp tục đun chín
  • Bước 9: Cho phần gạch cua, thịt cua vào nồi và nêm gia vị vừa ăn

Cuối cùng là múc ra bát và trình bày đẹp mắt, ăn kèm rau sống cho bữa cơm chuẩn vị Việt. Mách bạn ăn canh riêu quả dọc với phần nõn chuối, vừa thanh mát lại mang nhiều giá trị dinh dưỡng.

canh riêu cua quả dọc
Canh riêu cua quả dọc ăn với cà muối ngon hết ý

5.3. Vịt om dọc hấp dẫn

Mùa sấu qua đi mùa dọc lại đến, bạn đã từng thử món vịt om dọc thơm ngon lạ miệng chưa? Nếu chưa, hãy thêm món ăn này vào thực đơn ngay hôm nay nhé!

  • Bước 1: Chuẩn bị thịt vịt, quả dọc, hành tỏi khô, hạt tiêu
  • Bước 2: Vịt sơ chế sạch rồi ướp với hành tỏi khô, hạt tiêu, muối trong khoảng 30 phút
  • Bước 3: Nướng chín trái dọc và loại bỏ phần vỏ
  • Bước 4: Xào vịt đến khi thịt săn lại, có mùi thơm thì thêm nước gần ngập thịt, đun trong lửa nhỏ
  • Bước 5: Khi thịt gần nhừ, thả dọc và tiếp tục đun đến khi thịt chín nhừ.

Cuối cùng, tắt bếp, trình bày món vịt om dọc ra đĩa và thưởng thức thôi! Hương vị thịt thơm ngon cùng vị chua dịu của dọc sẽ để lại ấn tượng sâu sắc khó quên.

6. Nên sử dụng quả dọc khô hay tươi?

Quả dọc có mùa thu hoạch ngắn nên thường được sấy khô để bảo quản quanh năm cũng như dễ dàng buôn bán, vận chuyển đến nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi phơi khô quả sẽ mất đi một số dưỡng chất quan trọng. Đồng thời, vị của quả khô cũng không còn thơm ngon như quả tươi. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là hãy sử dụng trái dọc tươi cho món ăn của mình. Tìm hiểu cách bảo quản trái dọc tươi dưới đây nhé!

Advertisement

7. Quả dọc bảo quản thế nào để được lâu nhất?

Thông thường, quả dọc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể giữ được độ tươi và giá trị dinh dưỡng trong vòng 1 tháng. Trong trường hợp bạn sử dụng túi hút chân không và bảo quản trong ngăn đông có thể giữ được 2 đến 3 tháng. Ngoài ra, bạn có thể nướng quả sẵn, đập dập và chia nhỏ vào các túi, bịt kín để trên ngăn đá tủ lạnh và lấy ra sử dụng trong mỗi lần nấu. Bằng cách này có thể lưu giữ được 3 tháng. Tuy nhiên, nếu muốn thời gian bảo quản lâu hơn, bạn vẫn cần phơi hoặc sấy khô loại quả này.

cách bảo quản quả dọc
Quả dọc rất dễ bảo quản, có thể để tủ lạnh ngăn đá và sử dụng dần

8. Mua quả dọc ở đâu? Giá bao nhiêu tiền?

Quả dọc được trồng phổ biến ở các vùng trung du Việt Nam, chúng được phân phối trên khắp cả nước dưới dạng quả tươi và quả khô. Hiện nay, trái dọc tươi được bán với giá trung bình dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Tùy thuộc vào nơi bán, vụ mùa và chất lượng quả, mức giá sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Trong trường hợp bạn mua quả dọc qua các kênh bán hàng trực tuyến hoặc sàn thương mại điện tử, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín và tin cậy để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhận được.

Quả dọc ở Trung Quốc được coi là một loại quả dại, thường được chế biến làm các loại thuốc Đông y. Trên đây là những thông tin tổng hợp về quả dọc và công dụng cũng như cách chế biến loại quả này mà bạn đang quan tâm. Tuổi trẻ và Sắc đẹp hy vọng bài viết hữu ích với bạn và đừng quên chia sẻ, lan tỏa thông tin này nhé!

Advertisement
Chuyên mục: Trái Cây

5 ( 1 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất