Quả cóc và 10 công dụng đặc biệt bảo vệ sức khỏe ít ai biết

Nguyễn Mai 440

Quả cóc có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Khi nhắc đến quả cóc, cả một bầu trời ký ức ùa về, những gánh hàng rong bán cóc dầm của cô bác ngoài cổng trường luôn hấp dẫn chúng ta không chỉ khi còn nhỏ mà còn đến tận bây giờ. Tuy vậy, ít ai biết trái cóc mang nhiều giá trị dinh dưỡng đặc biệt và có khả năng điều trị một số bệnh hiệu quả. Vậy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp tìm hiểu về “trái tuổi thơ” này nhé!

1. Quả cóc là quả gì?

Quả cóc là loại quả được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Cây cóc sinh trường tốt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Quả cóc có màu xanh, hình tròn với kích thước từ 3 – 8cm. Khi còn non, thịt quả màu xanh nhạt và dần chuyển vàng khi chín. Phần thịt cóc non ăn giòn, có vị chua nhẹ, hơi ngọt. Khi quả chín, thịt mềm và ngọt hơn. Loại quả này từ lúc còn xanh đến khi đã chín vàng đều có thể chế biến rất nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó, người ta thường sử dụng cóc non hơn vì vị chua đặc biệt của chúng.

quả cóc
Những quả cóc có vỏ sần sùi thường giòn và ngọt hơn quả có vỏ trơn mịn

2. Dinh dưỡng có trong quả cóc

Quả cóc là nguồn vitamin, khoáng chất phong phú và dồi dào. Trong đó, nổi bật nhất là vitamin C – dưỡng chất quan trọng cho cơ thể con người. Nghiên cứu chỉ ra, trong quả cóc có chứa protein, carbs, chất xơ, natri, kali, canxi, sắt, vitamin A, B, C,… Không chỉ có tác dụng giải nhiệt, quả cóc còn có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh, ngăn ngừa lão hóa và tăng cường sức khỏe miễn dịch.

3. Những công dụng tuyệt vời của quả cóc

Thông thường, chúng ta thường biết đến trái cóc là thức quà vặt hấp dẫn. Tuy nhiên, ít ai biết đến trái cóc mang nhiều công dụng tuyệt vời. 

3.1. Trị ho và cảm cúm

Phương pháp này thường được ông bà ta dùng thời xưa, tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm. Cụ thể, bạn chỉ cần ăn vài miếng cóc nhỏ hoặc uống nước ép nguyên chất, tình trạng ho sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Ngoài ra, thành phần tự nhiên trong cóc cũng có thể điều trị bệnh cảm cúm bằng cách trên.

cóc trị ho cảm cúm
Ngoài ăn cóc trị ho, cảm cúm bạn có thể uống nước ép cóc để loại bỏ triệu chứng này

3.2. Cân bằng cholesterol

Vitamin C có trong cóc đóng vai trò hỗ trợ chuyển hóa cholesterol thành axit mật. Khi vitamin C đi vào cơ thể, chúng kiểm soát cholesterol ở mức cân bằng. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật ở người. Bệnh nhân có tiền sử sỏi mật có thể tham khảo và bổ sung nước ép cóc vào thực đơn hàng tuần nhé!

3.3. Quả cóc giúp cải thiện thị lực

Ít ai biết rằng, cóc là một trong số những trái cây có lượng vitamin A vô cùng dồi dào. Chúng hỗ trợ quá trình truyền thông tin từ võng mạc đến não dễ dàng hơn. Nhờ đó có thể cải thiện tình trạng thị lực của bạn. Trong trường hợp bạn bị đau mắt, có thể sử dụng nước lá cây cóc đun để điều trị. 

3.4. Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch đóng vai trò là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những yếu tố tác động từ môi trường xung quanh. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ cơ thể khỏe mạnh hơn. Trong đó, vitamin C trong trái cóc có khả năng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Chống lại các vi sinh vật gây bệnh và các gốc tự do. Đồng thời, nó cũng góp phần đẩy nhanh quá trình chữa lành của cơ thể.

quả cóc tăng cường hệ miễn dịch
Ăn quả cóc nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn từ môi trường

3.5. Ngăn ngừa lão hóa

Tại sao vitamin C thực sự cần thiết cho cơ thể? Bởi chúng không chỉ giúp cân bằng cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch mà còn có thể ngăn ngừa tình trạng lão hóa sớm. Đặc biệt, trong trái cóc có sự kết hợp của vitamin C, A và B cùng với hàng loạt khoáng chất đóng vai trò chống lại lão hóa. Vì vậy, trái cóc được đánh giá cao trong nhiệm vụ ngăn ngừa lão hóa, giúp bạn luôn tươi trẻ rạng ngời.

3.6. Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa

Chất xơ chiếm 2,2% trong quả cóc – con số không nhỏ đối với nhiều loại trái cây. Theo đó, dưỡng chất này có công dụng hỗ trợ nhu động ruột và quá trình tiêu hóa. Đồng thời, lượng nước trong quả giúp ngăn tình trạng mất nước. Vì vậy, các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân táo bón, khó tiêu nên sử dụng nước ép cóc mỗi ngày đến khi khỏi bệnh.

3.7. Giảm cân an toàn

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, quả cóc có thể giúp giảm cân hiệu quả. Điều này nhờ vào lượng chất xơ trong cóc tạo cảm giác no lâu. Bạn dễ dàng kiểm soát các cơn đói và giảm khẩu phần ăn mỗi ngày. Lâu dài sẽ giúp giảm cân an toàn và hiệu quả. Đồng thời, lượng chất béo, carbs, calo trong cóc lại rất ít, vì vậy, đây được xem là loại trái đứng TOP đầu trong thực đơn ăn kiêng giảm cân hiệu quả.

giảm cân
Sử dụng nước ép cóc có thể giúp giảm cân hiệu quả

3.8. Dưỡng da khỏe đẹp

Trên thực tế, quả cóc được coi như một chất chống oxy hóa tự nhiên. Công dụng này đến từ lượng vitamin C dồi dào trong quả. Chúng đóng vai trò loại bỏ những tế bào cũ, phục hồi những tế bào tổn thương và thúc đẩy quá trình tái tạo diễn ra nhanh hơn. Bạn có thể sử dụng nước lá cóc hoặc chiết xuất của nó như một loại sữa dưỡng thể từ thiên nhiên. 

3.9. Bổ sung sắt ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Hàm lượng sắt trong cóc đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình hình thành các tế bào hồng cầu. Đây là lý do vì sao người thiếu máu thường phải bổ sung sắt cho cơ thể. Ngoài ra, vitamin B1 trong quả có ích trong việc sản xuất tế bào hồng cầu. Đồng thời tăng lượng oxy đi khắp cơ thể và ngăn ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả.

3.10. Tốt cho thai kỳ

Thông thường, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ thường thèm đồ chua. Việc ăn 1 – 2 trái cóc mỗi ngày vừa giúp chị em thỏa “cơn thèm” vừa mang lại lợi ích sức khỏe. Trong đó, cứ 100g quả cóc sẽ chứa tới 42g acid ascorbic – dưỡng chất cần thiết tăng sức đề kháng cho thai phụ. Đồng thời, lượng chất xơ trong cóc giúp cải thiện tình trạng táo bón trong thai kỳ. Sắt và canxi trong quả này cũng ngừa tình trạng thiếu máu, nâng cao sức khỏe xương, hạn chế nhức mỏi cho bà bầu.

thai kỳ
Ăn cóc tốt cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ

4. Những món ăn chế biến từ quả cóc

Bên cạnh việc ăn cóc trực tiếp, loại quả này còn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Một số món làm từ quả cóc đơn giản có thể thực hiện tại nhà như sau:

4.1. Cóc dầm tuổi thơ

Người Việt Nam hẳn ai cũng trải qua tuổi thơ với món cóc dầm đặc sản tại cổng trường mỗi ngày hè. Để thực hiện món này vốn không cần công thức cầu kỳ hay nguyên liệu đặc biệt nào. Bạn chỉ cần làm như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị cóc, đường trắng, muối và bột ớt
  • Bước 2: Cóc gọt vỏ, cắt phần thịt khéo léo nhằm tách hạt và gân lan khỏi thịt quả
  • Bước 3: Cho cóc đã cắt vào tô, thêm chút muối, nhiều đường và bột ớt vào xóc đều

Để khoảng 10 – 15 phút cho ngấm gia vị là bạn đã có món cóc dầm tuổi thơ rồi đó! Chú ý, muối chỉ cho rất ít còn đường và bột ớt thì điều chỉnh theo khẩu vị mỗi người.

4.2. Nước ép cóc

Một ly nước ép cóc trong trưa hè nắng nóng vừa giúp giải nhiệt vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đây cũng là loại nước được khuyến khích trong thực đơn giảm cân.

  • Bước 1: Chuẩn bị cóc xanh, gọt vỏ và tách lấy thịt quả
  • Bước 2: Cho toàn bộ thịt quả vào ép lấy nước cốt
  • Bước 3: Thêm đá và thưởng thức ly nước ép thơm ngon thôi nào

Bạn có thể thêm đường để tăng độ ngon của đồ uống. Tuy nhiên, cách này không nên áp dụng đối với người đang trong chế độ giảm cân nhé!

nước ép cóc
Uống nước ép cóc mỗi ngày sẽ giúp giảm cân hiệu quả

4.3. Cóc bao tử ngâm 

Cách này thường được dùng để bảo quản cóc lâu dài. Cóc ngâm cũng là một món hấp dẫn đối với cánh đàn ông hay nhậu đó nhé! Bạn cần làm như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị cóc non (cóc bao tử), mắm, đường, ớt quả
  • Bước 2: Khi còn nhỏ, phần hạt cóc còn mềm, bạn chỉ cần gọt vỏ và cắt đôi quả
  • Bước 3: Pha nước ngâm gồm mắm, đường và ớt sao cho vừa miệng
  • Bước 4: Đổ cóc vào một chiếc lọ thủy tinh rồi đổ nước ngâm vào sau đó đậy kín

Thời gian ngâm thường kéo dài khoảng 24 giờ, khi cóc mềm là đã ngấm và có thể sử dụng ngay. Chú ý phần nắp bình thủy tinh luôn đảm bảo được đậy kín để tránh vi khuẩn xâm nhập khiến cóc ngâm bị hỏng, thối.

4.4. Cóc nộm tai heo

Với vị chua đặc trưng, cóc là nguyên liệu tuyệt vời trong các món nộm. Nếu chưa nghĩ ra món gì, hãy thêm vào thực đơn trưa nay món cóc nộm tai heo đơn giản này nhé!

  • Bước 1: Chuẩn bị cóc non, tai heo, hành tây, cà rốt, dưa leo, húng lủi, chanh, lạc rang, tỏi, ớt, đường, mắm, nêm, muối, giấm trắng
  • Bước 2: Tai heo bóp qua muối sau đó ngâm với giấm và muối để khử mùi hôi
  • Bước 3: Luộc tai heo với hành củ và muối trong vòng 15 phút 
  • Bước 4: Vớt tai ra để vào bát nước đá để tai giòn hơn
  • Bước 5: Cà rốt bào sợi, dưa chuột thái miếng, cóc gọt vỏ cắt lát mỏng ngâm nước đá
  • Bước 6: Hành tây cắt khúc ngâm giấm và muối cho hết hăng
  • Bước 7: Pha nước sốt gồm mắm, đường, chanh, tỏi và ớt vừa ăn
  • Bước 8: Cho toàn bộ nguyên liệu vào bát, trộn đều với nước sốt, để khoảng 10 phút
  • Bước 9: Gắp toàn bộ gỏi ra đĩa rồi rắc lạc rang và rau húng lên

Nộm cóc và tai heo vừa giòn, ngon, có thể làm món khai vị hoặc món nhậu.

cóc nộm tai heo
Cóc nộm tai heo hấp dẫn cả gia đình

4.5. Cóc trộn thịt bò khô

Cóc giòn chua nhẹ kết hợp với thịt bò dai dai và cay sẽ trở thành một món ăn vặt vô cùng hấp dẫn. Công thức làm cóc trộn thịt bò ngon như nhà hàng như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị cóc non, thịt bò, tỏi, mắm, hạt tiêu, ớt, đường
  • Bước 2: Cóc rửa sạch, cắt đôi rồi ngâm với đường, ớt, mắm trong vòng 15 phút
  • Bước 3: Trộn thịt bò vào phần cóc đã ngâm và gắp ra đĩa

Cuối cùng là thưởng thức thôi! Món này có thể ăn trong các bữa tiệc, ăn vặt, khi đi chơi, du lịch đều vô cùng phù hợp đấy!

cóc nộm bò khô
Miếng cóc giòn giòn cùng vị cay cay, dai dai của bò khô tạo hương vị hấp dẫn

5. Tác hại của quả cóc có thể gặp phải

Đối với mỗi loại thực phẩm, đều cần chú ý tiêu thụ đúng cách. Dưới đây là một số tác hại có thể gặp phải khi ăn quả cóc

5.1. Gây bệnh về tiêu hóa 

Song song với lượng dinh dưỡng dồi dào, cóc lại chứa lượng axit lớn. Vì vậy, khi ăn cóc quá nhiều có thể gây nên tình trạng thừa axit trong dạ dày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, có thể gây viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Cần chú ý không ăn cóc khi đói và những người bị bệnh đường ruột cũng nên hạn chế món này.

5.2. Gây hại cho trẻ

Khi trẻ còn nhỏ, hệ tiêu hóa cũng chưa được hoàn thiện hoàn toàn. Bạn nên chú ý không cho trẻ ăn cóc khi trẻ còn quá nhỏ. Đồng thời, nên hạn chế lượng tiêu thụ cóc ở những bé lớn hơn. Chỉ nên cho bé ăn khoảng 1 – 2 quả/ngày. Đồng thời, không để con tự gặm quả, vì gân xơ quả rất lớn, có thể khiến bé bị hóc.

tác hại của quả cóc
Ăn quá nhiều cóc một lúc có thể gây ra những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

6. Quả cóc bao nhiêu 1kg?

Giá của quả cóc thường phụ thuộc vào vụ mùa, thời gian, địa điểm bán, loại trái. Nhìn chung, trên thị trường Việt Nam giá cóc non thường dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/kg. Con số này thường cao hơn ở quả cóc chín, cụ thể là 20.000 – 50.000 đồng/kg. Đối với những vùng trồng nhiều, giá thường rẻ hơn một nửa so với thị trường.

7. Mua quả cóc ở đâu?

Quả cóc là loại quả dễ trồng, quả sai, năng suất vì vậy, chúng được trồng và tiêu thụ trên khắp Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy cóc ở các chợ dân sinh, siêu thị thậm chí cả những kênh bán hàng trực tuyến và sàn thương mại điện tử. Các món chế biến từ cóc cũng được bán ở gánh hàng rong, đến những quán ăn vặt, hay những nhà hàng sang trọng. Tùy vào nhu cầu mà bạn có thể chọn địa chỉ bán cóc và các món ăn từ cóc phù hợp.

Trên đây là những thông tin về thành phần dinh dưỡng, công dụng và các món ăn được chế biến từ cóc. Loại quả này không chỉ góp phần làm phong phú thực đơn hàng ngày mà còn đóng vai trò hỗ trợ sức khỏe hiệu quả. Tuổi trẻ và Sắc đẹp hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn và đừng ngại chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!

Chuyên mục: Trái Cây

0 ( 0 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất