Lá vông được nhiều người luộc để ăn, không những giúp thanh nhiệt mà còn có tác dụng chữa mất ngủ và nhiều bệnh khác. Bài viết này cung cấp thông tin về đặc điểm, công dụng cũng như các bài thuốc từ thảo dược này, mời bạn đọc theo dõi.
1. Đặc điểm của cây lá vông
Loại cây thân gỗ này còn được gọi là dong nem, vông nem, thích đồng bì,… Có tên khoa học là Folium Erythrinae, thuộc họ Đậu, có nguồn gốc từ các quốc gia châu Á như Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Philippin, Myanmar,… Tại nước ta, cây thường mọc ở bụi dọc bờ biển hoặc gần rừng ngập mặn, rừng thưa.
Cây có vỏ màu nâu hoặc xanh, trên thân có gai nhọn, cao lớn tới 10m hoặc hơn. Lá vông mọc so le, màu xanh bóng, có 3 lá chét hình tam giác, chiều dài lá khoảng 20 – 30cm. Hoa có màu đỏ tươi và mọc thành chùm dày. Quả không có lông, hình dáng giống như hạt đậu, chứa 4 – 8 hạt có màu đỏ hoặc nâu.
2. Lá vông có ăn được không?
Ngoài tác dụng chữa bệnh, loại lá này còn là nguyên liệu trong các món ăn đơn giản hàng ngày nhưng mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe. Bạn có thể nấu canh lá vông với lá dâu tằm, thịt bằm, tôm rất ngon và bổ dưỡng. Ngoài ra, lá này còn được gói ngoài miếng nem mà chúng ta hay ăn nên thường được gọi là vông nem.
3. Thành phần hóa học của cây lá vông
Thành phần chính của loại cây này là hàm lượng alkaloid chiếm 0.1 – 0.16% như erysodin, erysonin, erythranin, tanin, mygarin, và một hoạt chất khác là saponin. Chất erythrin có trong lá cây có tác dụng làm giảm hoặc mất hẳn hoạt động thần kinh trung ương, nhưng không ảnh hưởng để sự vận động của các cơ.
4. Những công dụng đối với sức khỏe của cây lá vông
Loại thảo dược này được sử dụng với tác dụng an thần và chữa chứng mất ngủ, lo âu, điều trị bệnh hen suyễn. Thêm vào đó, lá cây vông còn có nhiều công dụng khác đối với sức khỏe, có thể liệt kê dưới đây:
- Giảm cholesterol xấu trong máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và thể lực
- Cải thiện hệ tiêu hóa, hạn chế sự thèm ăn, chống bệnh béo phì
- Trong Đông y, loại lá này được sử dụng làm thuốc an thần, chữa mất ngủ và lo âu hiệu quả
- Nước sắc từ lá này giúp tẩy giun, chữa các bệnh nhiễm giun
- Vỏ cây có công dụng điều trị thấp khớp, đau, sưng tấy
- Cải thiện chứng rối loạn ăn uống, chán ăn
- Thải độc gan, tăng cường sức khỏe và bảo vệ gan rất tốt
- Được dùng như một loại thuốc bổ tử cung của phụ nữ, giúp điều hòa kinh nguyệt
- Sát trùng, khử khuẩn, nhuận tràng
5. Bài thuốc chữa bệnh về cây lá vông
Liều dùng dược liệu này tối đa trong một ngày là từ 6 -10g. Không nên sử dụng quá nhiều với lượng lớn vì có thể khiến cơ thể mệt mỏi, không ngủ được. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây vông:
- Điều trị viêm đại tràng mãn tính: Sao vàng hạ thổ 15g lá này và 25g lá nhót, đem sắc uống
- Chữa mất ngủ: Rửa sạch 20g lá tươi, vò qua rồi cho vào nồi cơm cạn nước hấp qua, ăn trước khi đi ngủ
- Chữa lòi dom: Giã nát lá vông và lá sen, lọc lấy nước uống, lấy bã chưng nóng đắp vào hậu môn
- Chữa sa dạ con: Giã nhỏ 30g lá này, 20g hạt tơ hồng, 20g lá tiểu kế, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày
- Tiêu độc, sát khuẩn, giúp lên da non: Giã nát lá tươi đắp vào vùng da bị mụn nhọt
- Chữa tiểu tiện, đại tiện ra máu: Sắc uống lá này cùng với lá sen
6. Cách trồng và chăm sóc cây lá vông
Loại cây này thường được trồng làm hàng rào hoặc trồng ven đường lấy bóng mát. Đây là cây dễ trồng, có sức sống mãnh liệt và không cần chăm sóc quá nhiều. Theo các tài liệu, có thể trồng loại cây này bằng các cách sau:
- Chiết cành
- Gieo hạt
- Giâm cành trực tiếp
Lá vông là một loại thảo dược gần gũi và dễ sử dụng. Tuy nhiên, các bạn cũng nên dùng đúng liều lượng và hỏi ý kiến của các chuyên gia y tế để tránh những tác dụng không mong muốn nhé!