Tìm hiểu về lá huyết dụ: Phân loại, tác dụng, bài thuốc chữa bệnh và những lưu ý khi sử dụng

Nguyễn Mai 230

Lá huyết dụ là một dược liệu được dùng trong y học cổ truyền vì có nhiều tác dụng dược lý như mát máu, cầm máu, tiêu ứ,… Trong bài viết này, độc giả hãy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp đi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm và các bài thuốc chữa bệnh từ loại thảo dược này nhé!

1. Tổng quan về cây huyết dụ

Cây này có tên khoa học Cordyline fruticosa, thuộc họ Măng tây, còn được gọi là phát dụ, long huyết, huyết dụ đỏ,… Mọc dại và phân bố ở khắp 3 miền nước ta. Đây là loại cây mọc theo khóm, sát đất, không cao như những loại cây ăn quả, thân gỗ. Thường được trồng để làm cảnh ở khuôn viên nhà hoặc công viên,…

Thân cây nhỏ, nhiều đốt và ít phân nhánh. Lá huyết dụ có hình lưỡi liềm, mọc tập trung ở ngọn, xếp thành 2 dãy. Chiều dài khoảng 20 đến 50cm, rộng khoảng 5 đến 10cm, gốc lá thắt lại, có đầu thuôn nhọn và hình lượn sóng. Cuống dài, có bẹ và rãnh ở mặt trên lá. Hoa mọc thành cụm, mỗi cụm hình xim và có 3 lá dài thuôn nhọn. Quả mọng, hình cầu.

Huyết dụ là loại cây mọc theo khóm, sát đất, không cao như những loại cây ăn quả, thân gỗ
Huyết dụ là loại cây mọc theo khóm, sát đất, không cao như những loại cây ăn quả, thân gỗ

2. Huyết dụ có mấy loại?

Loại cây này có hai loại. Loại huyết dụ có tên khoa học là Cordyline terminalis Kunth var ferrea, với đặc điểm nhận dạng là lá cây màu đỏ tía ở cả hai mặt. Loại huyết dụ còn lại có tên khoa học là Cordyline terminalis Kunth var viridis, với đặc điểm nhận dạng là lá cây có một mặt màu đỏ và một mặt màu xám. Cả hai loại cây này đều được dùng làm thuốc, trong đó cây huyết dụ có lá đỏ ở cả hai mặt sử dụng phổ biến hơn.

3. Vị thuốc có trong lá huyết dụ

Vị thuốc huyết dụ có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh can, thận có tác dụng cầm máu, mát huyết, tiêu ứ, bổ huyết,… Thường được dùng để chữa rong kinh, băng huyết, phong thấp, chữa kiết lỵ, ho gà ở trẻ em,… Theo y học hiện đại, lá huyết dụ có chứa phenol, axit amin, anthocyanin, đường giúp chống viêm, ung thư, kháng khuẩn,…

Vị thuốc trong lá huyết dụ
Vị thuốc trong lá huyết dụ

4. Lá huyết dụ có tác dụng gì?

Lá huyết dụ được dùng làm vị thuốc để chữa bệnh trong Đông y, thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng lá ở cây đã trưởng thành và tươi tốt, không hái lá non. Dưới đây là một số tác dụng của loại thảo dược này:

  • Điều trị bệnh trĩ, kiết lỵ, tiểu ra máu, lậu, viêm ruột
  • Dùng làm thuốc trị ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh
  • Hỗ trợ điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp

Liều lượng sử dụng dược liệu này trong các bài thuốc điều trị phụ thuộc vào mục đích và tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên, không nên dùng với liều lượng lớn và trong thời gian dài. Theo khuyến cáo, chỉ nên sử dụng huyết dụ từ 20 – 30g ở dạng tươi hoặc 6 – 8g ở dạng khô. Để đảm bảo an toàn sức khỏe thì người bệnh hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thảo dược này.

Tác dụng của huyết dụ
Tác dụng của huyết dụ

5. Những bài thuốc chữa bệnh của lá huyết dụ

Loại lá này thường được sử dụng để làm thuốc trong dân gian bằng cách phơi khô rồi sắc uống, nấu lá tươi. Dưới đây là một số bài thuốc từ huyết dụ:

  • Chữa ho ra máu hoặc chảy máu cam: Sao cháy 30g lá huyết dụ tươi, 20g trắc bá diệp, 20g cỏ nhọ nồi, đem sắc cùng với nước, uống 2 – 3 lần mỗi ngày
  • Chữa kiết lỵ: Rửa sạch 20g mỗi loại: lá huyết dụ tươi, rau má tươi, cỏ nhọ nồi, giã nát rồi cho thêm một chút nước, lọc lấy nước cốt, uống 2 lần mỗi ngày
  • Chữa rong kinh, băng huyết: Thái nhỏ 20g lá tươi, 8g rễ cỏ gừng, 10g rễ cỏ tranh, 10g đài hoa mướp, đem tất cả dược liệu sắc với 300ml, đến khi còn 100ml thì chia uống 2 lần mỗi ngày
  • Chữa bệnh trĩ: Dùng 20g lá tươi rửa sạch, sắc cùng 200ml nước, cô đặc còn 100ml thì uống trong ngày
  • Chữa sốt xuất huyết: Sao đen 20g mỗi loại: huyết dụ tươi, trắc bá, cỏ nhọ nồi rồi đem sắc thành thuốc, uống 2 – 3 lần mỗi ngày
  • Chữa bạch đới, khí hư: Đem sắc 30g lá huyết dụ tươi, 20g mỗi loại: lá thuốc bỏng, bạch đồng nữ, uống hàng ngày
Bài thuốc chữa bệnh từ lá huyết dụ
Bài thuốc chữa bệnh từ lá huyết dụ

6. Bà bầu có được uống cây huyết dụ không?

Bên cạnh công dụng tốt của huyết dụ trong điều trị thì đây cũng là một dược liệu có thể gây ra một số tác dụng phụ. Thêm vào đó, không phải ai cũng sử dụng được huyết dụ. Trong số đó, bà bầu, phụ nữ vừa bị sảy thai, nạo phá thai hay sau khi sinh con vẫn bị sót nhau thai, là những đối tượng không được dùng lá này.

7. Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây huyết dụ

Đây là loại cây cảnh được ưa chuộng trồng trong nhà hoặc ở văn phòng bởi màu sắc sặc sỡ của huyết dụ sẽ giúp tạo điểm nhấn cho vị trí trưng bày. Dùng đất mùn hoặc đất vườn, không có tính kiềm để trồng. Trong mùa sinh trưởng, loại cây này cần đủ sáng. Tuy vậy, vào mùa hè, nên cho cây vào nhà hoặc chỗ râm, tránh ánh nắng trực tiếp, tưới nước thường xuyên. Mùa đông, cần để ở nơi có nhiệt độ trên 10 độ C đồng thời giảm lượng nước tưới.

Advertisement

Bạn nên bón các loại phân như Kali, Magie để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, không bón vào mùa đông. Tưới nước hàng ngày để giữ độ ẩm cho đất trồng, không để cây thiếu nước. Theo thời gian, các nhánh lá sẽ tàn dần, lúc này, bạn cần loại bỏ ngay các phần tử hư tổn để tránh ảnh hưởng đến các nhánh cây khác.

Huyết dụ là loại cây cảnh được ưa chuộng trồng trong nhà hoặc ở văn phòng
Huyết dụ là loại cây cảnh được ưa chuộng trồng trong nhà hoặc ở văn phòng

8. Những lưu ý khi sử dụng lá huyết dụ

Tác dụng và hiệu quả điều trị của các bài thuốc từ loại cây này thường chậm, do đó, người bệnh nên kiên trì sử dụng. Đặc biệt, không nên tự ý bỏ thuốc Tây trong quá trình dùng vị thuốc này. Thận trọng khi sử dụng dược liệu này cho người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, khi người bệnh có dị ứng, kích ứng, mẫn cảm,… Cần ngưng dùng ngay và báo với bác sĩ để được kịp thời xử trí.

Như vậy, lá huyết dụ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, vị thuốc nam nào cũng có những tác dụng phụ đi kèm, nên người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Advertisement
Chuyên mục: Cây thuốc nam

0 ( 0 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất