Lá kinh giới là loại rau thơm phổ biến thường thấy trong rổ rau sống dùng cho món chiên, món nước. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về tác dụng cũng như bài thuốc từ loại thảo dược này.
1. Lá kinh giới là gì?
Loại lá này có tên khoa học là Elsholtzia cristata, thuộc họ Hoa môi, còn được gọi là kinh giới rìa, khương giới, bạch tô. Lá kinh giới có nguồn gốc từ châu Á, tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, châu Âu, Việt Nam. Loại rau này thường mọc ở khu vực đồi núi, đất bỏ hoang, trong rừng hoặc bờ sông suối.
Đây là cây mọc thẳng, có chiều cao khoảng 30 đến 50cm. Hoa nhỏ, có màu tím nhạt và mọc từng cụm bông ở đầu cành. Phiến lá dài, thuôn nhọn ở đầu, có hình răng cưa và có cuống. Tất cả bộ phận trên cây đều có hương thơm, vị cay, hơi đắng. Được dùng làm vị thuốc rất tốt trong Đông y và là rau thơm ăn sống hoặc đun nước để uống.
2. Phân biệt lá kinh giới và lá tía tô
Nếu nhìn lướt qua thì bạn sẽ thấy hai loại lá này giống nhau, từ mùi hương và hình dáng. Tuy nhiên, khi để ý kỹ một số đặc điểm sau đây, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa kinh giới với tía tô:
- Lá kinh giới: Mùi thơm hơn vì có nhiều tinh dầu hơn, thường ăn sống nhiều hơn nấu chín, cả hai mặt lá đều có màu xanh tươi, kích thước nhỏ với độ rộng khoảng 1 – 4cm, độ dài khoảng 2 – 5cm
- Lá tía tô: Mùi không thơm bằng vì ít tinh dầu hơn, thường được dùng để ăn sống lẫn nấu chín, mặt trên của lá màu xanh còn mặt dưới màu tím, kích thước to với độ rộng khoảng 2 – 10cm, dài khoảng 4 – 12cm
3. Rau kinh giới có tác dụng gì?
Đây là loại rau thơm được dùng ăn kèm trong các món ăn. Đồng thời, lá kinh giới cũng là một vị thuốc tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của loại rau này:
3.1. Điều trị cảm cúm
Nhờ hàm lượng tinh dầu dồi dào, loại lá này có thể khắc phục được triệu chứng của bệnh cảm cúm, kể cả nhức mỏi và sốt. Khi mới có dấu hiệu, bạn hãy nấu cháo kinh giới và dùng ngay khi đang nóng, cơ thể sẽ dễ chịu hơn. Thêm vào đó, lá này còn giúp thông mũi và cổ họng do dị ứng hoặc bị cảm.
3.2. Hỗ trợ điều trị máu cam, tiểu tiện, đại tiện ra máu
Loại rau này cũng có tác dụng giúp trị máu cam, kể cả đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu. Bạn hãy sao đen hoa kinh giới rồi đun sôi cùng 200ml nước lọc, sắc uống 100ml. Sau đó, bạn chia thành 2 lần và sử dụng trong ngày sẽ cải thiện tình trạng chảy máu cam rõ rệt. Với đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu, bạn dùng lá kinh giới nghiền thành bột rồi hòa với nước cháo gạo, uống cho đến khi khỏi.
3.3. Trị mụn
Rau kinh giới cũng mang lại hiệu quả điều trị mụn nhọt mới khởi phát. Theo đó, bạn hãy rửa sạch lá, nghiền nhuyễn và chắt lấy nước rồi thoa lên vùng da tổn thương. Chờ đến khi nước khô trên bề mặt da thì rửa lại với nước sạch. Ngoài ra, lá này cũng giúp ngăn ngừa lão hóa và cho bạn làn da trắng sáng hơn.
3.4. Chữa dị ứng
Với những người bị dị ứng thời tiết hoặc thức ăn, có thể dùng ngọn cây kinh giới có kèm hoa sao trên chảo cho nóng già. Sau đó, gói dược liệu vào miếng vải mỏng rồi chà xát lên vùng da bị dị ứng. Kiên trì áp dụng phương pháp này vài lần, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.
4. Những bài thuốc chữa bệnh từ lá kinh giới
Theo Đông y, kinh giới có vị cay, tính hàn, mùi thơm hơi nồng, là một vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Bộ phận sử dụng để làm thuốc là toàn thân, trừ rễ cây, có thể sao khô hoặc dùng tươi.
- Chữa viêm họng, phòng bệnh sởi: Dùng 10 – 20g cụm hoa kinh giới cắt riêng kèm 2 lá ngọn sắc thành thuốc uống
- Cầm máu: Dùng 12g cụm hoa kinh giới kèm 2 lá ngọn sao đen rồi nghiền thành bột đắp lên vết thương
- Chữa nhức đầu, tê thấp: 10 – 16g toàn cây cắt ngắn sắc thành thuốc uống hàng ngày
- Chữa viêm thanh quản, ho, khàn tiếng: Kinh giới, đậu đen, cát căn, cát cánh, xương bồ, mỗi loại 16g; huyền sâm, ngũ vị, bạch thược, mỗi loại 12g; đại táo 5 quả; trần bì 10g, đem tất cả dược liệu sắc thành thuốc rồi uống
- Chữa cảm phong hàn, đau mình mẩy: 12g kinh giới; đậu đen, nam tục, ngũ gia bì, trinh nữ, thổ phục linh, mỗi loại 16g; ngải diệp 12g; quế chi 8g; kiện 10g, đem tất cả sắc uống
5. Các món ăn sử dụng với lá kinh giới
Loại rau này có mùi thơm, hơi nồng, nhiều tinh dầu, vị cay, tính ấm nên được sử dụng trong rất nhiều món ăn. Hầu như, người ta chỉ dùng để ăn sống chứ ít khi nấu chín. Do đó, loại rau này thường xuất hiện trong rổ rau sống của món nước, một số món hấp hoặc món chiên. Kinh giới được ăn kèm chủ yếu với bún đậu mắm tôm, bún bò, bún riêu cua, bánh tráng cuốn thịt luộc, há cảo cuốn kinh giới,…
6. Những tác hại khi ăn lá kinh giới sai cách
Mặc dù là một vị thuốc tốt cho sức khỏe nhưng không nên vì thế mà các bạn có thể lạm dụng hay sử dụng sai cách. Sau đây là một số tác hại khi dùng kinh giới không đúng mà bạn cần lưu ý:
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên uống trực tiếp tinh dầu chiết xuất từ kinh giới với hàm lượng lớn vì có thể tăng nguy cơ sảy thai hoặc ảnh hưởng xấu đến thai nhi
- Người bị bệnh tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng tinh dầu kinh giới, vì có thể làm giảm lượng đường trong máu
- Người bệnh đang sử dụng thuốc đông máu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng tinh dầu kinh giới vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu
- Người chuẩn bị phẫu thuật nên ngừng dùng tinh dầu từ kinh giới, vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
- Sử dụng tinh dầu kinh giới quá nhiều dẫn tới khó chịu dạ dày và một số tác dụng phụ
7. Mua lá kinh giới ở đâu chất lượng nhất?
Trên thị trường, có rất nhiều địa chỉ bán loại cây này. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thì còn khá mơ hồ, nên bạn cần phải tìm mua kinh giới ở nơi uy tín. Để tránh việc mua hàng không đảm bảo, nhiều thuốc trừ sâu,… Thì bạn hãy đến các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Aeon Mall,… Hoặc các cửa hàng bán thực phẩm sạch.
Vậy là qua bài viết này, bạn đọc đã nắm rõ về lá kinh giới từ tác dụng, bài thuốc cho đến sự khác nhau với lá tía tô. Hy vọng độc giả sẽ biết cách sử dụng và bổ sung loại thảo dược tốt cho sức khỏe này vào bữa ăn hàng ngày.