Tắm nước từ lá khế để trị mề đay, mẩn ngứa, rôm sảy,… Là một phương pháp dân gian được ông bà ta áp dụng từ lâu. Không chỉ vậy, đây còn là một vị thuốc rất tốt. Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu về loại thảo dược dân giã này ngay dưới đây.
1. Tổng quan về cây khế
Tên khoa học của cây này là Averrhoa carambola L, thuộc họ Chua me đất (Oxalidaceae). Đây là loài cây ăn quả, thân gỗ, sống lâu năm ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia. Cây khế có thể cao tới 12m khi trưởng thành. Hoa có màu đỏ tím, nhỏ, mọc thành cụm ngắn ở nách lá, dạng chùm xim.
Lá khế là lá kép lông chim, có hình trái xoan, đuôi nhọn. Có 3 đến 5 đôi lá chét nguyên, mỏng. Quả khế hình ngôi sao, khi non có màu xanh và màu vàng cam khi chín. Quả to, mọng nước, có vị ngọt chua xen lẫn, có thể ăn trực tiếp hoặc nấu canh chua, làm mứt. Theo Đông y, quả khế có tác dụng nhuận tràng, lá được dùng làm thuốc chữa thấp khớp, mụn nhọt, lở loét. Các bộ phận khác như hoa giúp chống ho, hạt trị hen suyễn, vàng da và đau bụng.
2. Thành phần hóa học của lá khế
Theo nghiên cứu của trường Đại học Cần Thơ, cao chiết ethanol của lá này có chứa các hoạt chất: alkaloid, triterpene, flavonoid, đường khử, steroid, saponin và tanin. Thêm vào đó, thông qua thử nghiệm ức chế biến tính albumin bởi nhiệt, cũng tìm thấy tác dụng kháng viêm in vitro của cao chiết từ lá khế.
3. Lá khế có tác dụng gì?
Theo Đông y, thảo dược này có vị chua, chát, se, tính bình nên có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm. Giúp thanh mát, giải nhiệt, điều trị các triệu chứng đau khớp, đau họng, viêm dạ dày, ho kéo dài, sổ mũi, chấn thương gây đau nhức. Ngoài ra còn chữa bệnh sởi, viêm mủ ngoài da, mề đay đau đầu mãn tính,… Theo y học hiện đại, lá cây khế có các tác dụng sau:
- Chiết xuất từ lá này cải thiện lưu thông mạch máu, điều hòa huyết áp ổn định
- Trong lá khế chứa những chất xơ tự nhiên giúp hạn chế các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, chướng bụng,…
- Nhờ chứa nhiều chất kháng khuẩn nên giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ngứa da, kích ứng
- Hàm lượng dưỡng chất dồi dào như vitamin B, C, kẽm, kali, sắt giúp nâng cao hệ miễn dịch, điều trị các bệnh như sổ mũi, đau họng
4. Các bài thuốc chữa bệnh từ lá khế
Có thể dùng lá này ở dạng sắc thuốc uống hoặc dùng ngoài để chữa bệnh. Với liều lượng trung bình sử dụng hàng ngày là từ 20 – 40g. Một vài bài thuốc từ thảo dược này như sau:
- Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay: Rửa sạch lá tươi, đem nấu nước tắm 2 lần mỗi ngày
- Chữa bí tiểu, đau đầu: Sao thơm 100g lá tươi, đem sắc với 750ml nước, khi còn 300ml thì tắt bếp, chia uống 2 lần trong ngày, sử dụng trước khi ăn
- Chữa tiểu tiện không thông, đau đầu, choáng váng: Đem ngâm rửa 100g lá tươi, giã nát và lọc lấy nước, chia làm 2 lần uống, dùng trước khi ăn
- Phòng bệnh sốt xuất huyết: Dùng 12g mỗi loại: Sinh địa, mã đề, lá tre, sắn dây và lá dâu, 16g lá khế, đem tất cả dược liệu sắc uống trong ngày
- Chữa sởi ở trẻ nhỏ: Lá và vỏ cây khế đem rửa sạch, sắc uống hàng ngày
- Trị viêm họng: Rửa sạch 40g lá tươi, giã nát lấy nước cốt, cho thêm vài hạt muối vào và ngậm
5. Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng lá khế
Do nhiều lợi ích mà dược liệu này mang lại, nên mọi người truyền tai nhau áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ lá cây khế. Tuy vậy, cũng có những tác dụng phụ không mong muốn nếu bạn dùng sai cách hoặc quá liều:
- Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, người mắc bệnh thận hoặc có nguy cơ loãng xương không được dùng quá nhiều vì có thể làm cản trở hấp thu canxi từ thực phẩm khác
- Bổ sung với liều lượng vừa phải để không kích thích dạ dày, tăng nguy cơ bị loãng xương
- Tuyệt đối không tự ý kết hợp lá khế với dược liệu khác vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn
6. Cách trồng và chăm sóc khế tại nhà
Người ta thường trồng cây khế bằng hạt hoặc ghép: mắt, cành, áp. Phương pháp trồng bằng hạt dễ hơn nhưng cho quả lâu hơn và chất lượng không ổn định. Cây khế con cần chăm sóc tỉ mỉ, luôn giữ đủ ẩm, chống nắng nóng và tưới nước phân pha loãng hàng tháng. Khi cây cao 50 – 60cm thì tỉa cành, sau một tháng thì đem trồng mới.
Đất trồng cần nhiều mùn, tơi xốp, dễ thoát nước. Nên bón lót vôi bột rồi phơi ải trong khoảng 7 đến 10 ngày trước khi trồng cây để xử lý mầm bệnh. Nếu trồng trong chậu thì cần lót sỏi hoặc đá xuống dưới để dễ thoát nước. Thời điểm trồng cây khế tốt nhất là mùa xuân hoặc mùa thu.
Cây có nhu cầu nước lớn nên cần cung cấp đủ nước, đặc biệt là vào thời tiết khô hạn. Khi cây khế lớn, cành lá dày thì bạn nên tỉa bớt cho thông thoáng, thời điểm cắt tỉa thích hợp là sau khi thu hoạch quả và trước lúc ra hoa. Tạo tán đủ lá để che phủ cho thân cây để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp làm nứt vỏ. Nên bón phân K, vôi bột, tro bếp sẽ cho quả ngọt hơn.
7. Những lưu ý khi sử dụng lá khế
Khế có thành phần dinh dưỡng đa dạng, đồng thời có nhiều tác dụng dược lý. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi dùng dược liệu này:
- Khế chua chứa nhiều axit nên không được ăn khi đói
- Người mắc bệnh lý về dạ dày không dùng khế chua
- Song song việc áp dụng các bài thuốc, bạn có thể nấu các món ăn từ khế để cải thiện sức khỏe
- Liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quá trình điều trị
Trên đây là những thông tin đầy đủ về lá khế do Tuổi trẻ và Sắc đẹp đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Độc giả hãy theo dõi chúng tôi thường xuyên để đón đọc nhiều bài viết bổ ích nữa nhé.