Khám phá hoa sen – loài hoa tượng trưng cho bản sắc tâm hồn Việt

Nguyễn Mai 373

Hoa sen là loài hoa vô cùng quen thuộc với mỗi người Việt Nam. Hầu như mọi bộ phận của loài hoa này đều được sử dụng trong cuộc sống. Hoa sen cũng nổi tiếng bởi ý nghĩa thanh cao, tốt đẹp. Hãy cùng Tuổi trẻ và sắc đẹp tìm hiểu kỹ hơn về hoa sen trong bài  viết này bạn nhé!

1. Đặc điểm của hoa sen

Hoa sen là loài thực vật thủy sinh, có tên khoa học là Nelumbo Nucifera, thuộc họ Nelumbonaceae. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, hoa sen là một trong những loài thực vật hạt trần xuất hiện đầu tiên trên thế giới. Nó được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, rồi phát triển tại các nước Châu Á, Châu Úc.

Sen là loài cây thân thảo, sống ở dưới nước lâu năm. Thân cao từ 0.5 đến 1m, trên thân có các gai nhọn, có hình trụ thon dài, đâm sâu xuống bùn. Củ là phần rễ phình to, có màu nâu vàng, trông giống như củ khoai lang. Ngoài  ra phần thân rễ còn được gọi là ngó, có hình ống, bên trong có các rãnh hình trụ, chạy dọc trong thân tạo thành các lỗ khí. Ngó sen có màu trắng ngà, mọc chồi mầm ở đầu ngọn.

Hoa sen mọc ở phần cuống của đài, có nhiều cánh hoa xếp xen kẽ, chồng lên nhau, khi hoa nở sẽ bung cánh, xòe lớn. Mỗi cánh có hình dáng của chiếc thuyền nhỏ. Hoa bao gồm cánh hoa, bao phấn, lá noãn, nhụy sen, gương sen và đài sen, có đa dạng màu sắc như hồng, trắng,…

Lá mọc ở cuống dài, màu xanh lục, vươn lên khỏi mặt nước. Lá có phiến lá to bản với đường kính từ 60-80cm, trên bề mặt có những đường gân tỏa ra thành vòng tròn. Bề mặt trên của lá không thấm nước, trũng ở giữa, lấy cuống lá làm trung tâm.

Hoa sen là loài thực vật thủy sinh, có tên khoa học là Nelumbo Nucifera
Hoa sen là loài thực vật thủy sinh, có tên khoa học là Nelumbo Nucifera

2. Hoa sen là biểu tượng của quốc gia nào?

Theo một số thống kê, trên thế giới có khoảng 100 nước đã có biểu tượng quốc hoa. Một số loài hoa được nhiều nước lấy làm biểu tượng quốc hoa, hoa hồng là một ví dụ. Loài hoa này đã được 10 nước chọn làm quốc hoa. Hiện nay, hoa sen đã có 3 nước sử dụng làm biểu tượng quốc hoa, đó là Ấn Độ, Xri Lan-ka và Việt Nam. 

Tuy nhiên loài hoa này vẫn chưa được chính thức công nhận là quốc hoa của Việt Nam nhưng đã được niêm yết vào danh mục quốc hoa của các nước. Mặc dù đến nay Việt Nam chưa công bố quốc hoa nhưng mọi người dân Việt Nam đều đã coi đây là quốc hoa, là biểu tượng cho đất nước.

3. Những ý nghĩa của hoa sen

Đây là loài hoa đã tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Việt, nó mang nhiều ý nghĩa đặc biệt trong nhiều mặt của cuộc sống chúng ta.

3.1 Hoa sen trong văn hóa Việt Nam

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Đây là câu ca dao quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Loài hoa này mang ý nghĩa của sức sống mãnh liệt của dân tộc ta. Nó là biểu tượng cho bậc chính nhân quân tử với phẩm chất thanh cao, thuần khiết, không vướng bụi trần thế. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, kiến trúc, hội họa,..

Hoa sen mang vẻ đẹp giản đơn, với những cánh hoa mỏng manh, dịu dàng nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt. Những bông hoa vươn lên từ bùn lầy, phát triển tươi tốt rồi bung nở khoe sắc thắm. Dù sống dưới bùn tanh hôi nhưng bông hoa vẫn ngát hương thơm, mang đến cảm giác dễ chịu, thanh tịnh trong tâm hồn.

Con người luôn hướng tới những phẩm chất tốt đẹp của loài hoa này. Luôn có khí khái hiên ngang, mạnh mẽ trước bão giông của cuộc đời. Hình ảnh vươn mình lên đón lấy ánh nắng mặt trời là biểu tượng cho sức sống bền bỉ, liêm khiết, luôn chân thành không vướng bùn nhơ.

Đây là loài hoa đã tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Việt
Đây là loài hoa đã tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Việt

3.2 Hoa sen trong đạo Phật 

Trong Phật giáo, đây là biểu tượng của sự thuần khiết, thức tỉnh và trung thành. Nó mọc lên từ bùn lầy nhưng vẫn giữ được sự trong sạch, tỏa hương thơm ngát. Ngoài ra, loài hoa này còn đại diện cho đức tính hành thiện, sự thuần khiết cũng như duy trì phát triển của Phật pháp.

Hoa sen hội tụ đầy đủ những phẩm cách cao đẹp, tính nhân văn, đạo đức nhân sinh cao quý. Vậy nên, Phật giáo đã lấy hình ảnh hoa sen làm phật đài, biểu tượng cho 5 biểu tượng tinh thần của nhà Phật.

  • Tính vô nhiễm: Dù mọc lên từ bùn lầy nhưng lại sạch sẽ thanh cao
  • Tính thuần khiết: Nó luôn tỏa hương thơm ngát, không bị mắc phải sâu bệnh hay thu hút ong bướm
  • Tính thanh lọc: Loài hoa sinh sống tại các đầm lầy, ao nước, khi phát triển sẽ giúp làm sạch nước ở nơi nó sinh sống
  • Tính thùy mị: Hương thơm ngát nhưng lại không bị nồng mà nhẹ nhẹ, khoan khoái, màu sắc dịu dàng cánh hoa mềm mỏng, thướt tha
  • Tính kiên nhẫn: Cây từ khi nảy mầm trong bùn đất cho đến lúc vươn lên trên mặt nước, xoè lá, nở hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn, lớn lao

Loài hoa này xuất hiện rất nhiều trong đạo Phật, ví dụ như hình ảnh Phật Quan Âm ngồi trên đài sen. Vậy nên, loài hoa này cũng xuất hiện trong các công trình Phật giáo nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Tây Phương, tháp Cửu Phẩm liên hoa… Nó thể hiện một vai trò quan trọng và có ý nghĩa quan trọng đối với tín ngưỡng.

3.3 Hoa sen trong phong thủy

Từ xa xưa, trong phong thủy đã ưa chuộng hình ảnh của hoa sen để bổ trợ nguồn khí tốt cho gia chủ. Trong đó, đây là loài hoa có khả năng đem lại nguồn vượng khí dồi dào. Nó tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, khí khái, dù sống trong bùn lầy nhưng vẫn luôn giữ được sự trong sạch, tinh khiết.

Theo phong thủy, khi trưng bày các vật phẩm trong nhà như cành, đĩa, đèn thờ, các vật phẩm thờ cúng được vẽ hoa sen… sẽ góp phần cho không gian trở nên ấm cúng, thanh tịnh và nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm phong thủy có hình hoa trong nhà giúp điều hòa vượng khí, gia tăng nguồn năng lượng tốt về sức khỏe cho gia đình, giúp mỗi người gỡ bỏ ưu phiền, tâm an, gia đình êm ấm.

Từ xa xưa, trong phong thủy đã ưa chuộng hình ảnh của hoa sen để bổ trợ nguồn khí tốt cho gia chủ
Từ xa xưa, trong phong thủy đã ưa chuộng hình ảnh của hoa sen để bổ trợ nguồn khí tốt cho gia chủ

3.4 Các màu hoa sen

Hoa sen có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu hoa lại mang những ý nghĩa riêng biệt:

  • Hoa Sen trắng: Mang ý nghĩa của sự thanh cao, trong sáng, tinh khiết, đại diện cho tâm hồn của con người luôn trong sạch, thanh cao
  • Hoa Sen hồng: Biểu tượng của Phật giáo đại diện cho sự bình dị, tốt lành, sự chất phác, hiền lành, giản dị của con người 
  • Hoa Sen tím: Mang ý nghĩa cho sự huyền bí, thu hút, mê hoặc,…
  • Hoa Sen vàng: Đại diện cho phú quý, giàu sang và thịnh vượng 
  • Hoa Sen xanh: Mang ý nghĩa cho trí tuệ, sự uyên bác, học thức sâu rộng của con người

4. Các loại sen đẹp được trồng phổ biến tại Việt Nam

Việt Nam là đất nước có thời tiết rất phù hợp với hoa sen nên có nhiều giống hoa bản địa, ngoại nhập được trồng. Bởi đặc tính dễ trồng và chăm sóc cùng vẻ đẹp của mình, nó luôn được mọi người ưa chuộng trồng làm cảnh cho khuôn viên của gia đình.

4. 1  Hoa sen Việt

Hoa sen Việt là loài hoa sen được trồng phổ biến tại Việt Nam, được trồng chủ yếu trong các ao hồ, trong chùa,… được bày bán phổ biến. Giống hoa này mang vẻ đẹp giản dị với cánh sen dài, xòe rộng, có 3 màu chủ yếu là hồng, trắng và xanh. 

4. 2 Hoa sen Nhật mini

Loài hoa này khá được ưa chuộng trong khoảng thời gian gần đây. Sen Nhật mini thường trồng trong chậu nhỏ để làm cảnh, có hương thơm nhẹ, cánh dày đan vào nhau. Tuy nhiên loài hoa này khá khó trồng và chăm sóc.

4. 3 Hoa sen vua

Đây là loài sen được cho là độc đáo và quý hiếm nhất hiện nay bởi lá và bông hoa có kích thước rất lớn. Lá có thể có đường kính lên đến 3m, bông sen vua lớn gấp 1,5 lần so với các giống sen khác. Hoa sen vua thường được trồng làm cảnh trong các hồ nước.

Việt Nam là đất nước có thời tiết rất phù hợp với hoa sen nên có nhiều giống hoa bản địa, ngoại nhập
Việt Nam là đất nước có thời tiết rất phù hợp với hoa sen nên có nhiều giống hoa bản địa, ngoại nhập

4. 4 Hoa sen thái 

Loài hoa này còn được biết đến với tên gọi khác là sen bách diệp. Đây là loài hoa cũng rất phổ biến tại Việt Nam. Hoa có cánh ngắn, bản rộng, mọc rất dày, nở thành hình tròn. Sen thái thường được trồng trong ao, hồ hoặc trong chậu để làm cảnh. Hà Nội cũng rất nổi tiếng với sen bách diệp Hồ Tây.

4. 5 Sen cung đình

Đây là một loài sen nội địa của Việt Nam. Hoa sen cung đình có cánh hoa nhỏ, cong và thon dài, bông có hình ảnh giống như chim sếu rất đẹp mắt. Giống này có khá nhiều màu sắc nhưng phổ biến nhất là trắng và hồng. 

5. Hướng dẫn cắm hoa sen vào lọ đẹp và lâu nhất

Hoa sen luôn được ưa thích để cắm trong bình trang trí. Một bình hoa đẹp không chỉ giúp không gian thêm hoàn hảo mà còn là một thú vui tao nhã. Để có được  một bình hoa lâu tàn, bạn phải biết cách chọn hoa chuẩn.

Bạn phải chọn những búp sen chưa nở, lành lặn, không bị tổn thương hay có sâu. Chọn những bông hoa lớn, cánh dày dặn, cành và bông có kích thước cân đối nhau. Trước khi cắm hoa cần cắt vát cành hoa góc 45 độ để cành hút nước tốt. Ngâm hoa trong nước ít nhất 10-15 phút trước khi cắm hoa vào bình.

Khi cắm hoa vào bình, bạn cần chuẩn bị nước sạch hòa thêm khoảng 1 gói dưỡng hoa sẽ giúp hoa tươi lâu hơn. Hoa sen không quá phức tạp khi cắm, bạn chỉ cần chọn một chiếc bình phù hợp, cắm kiểu tỏa ra đơn giản là đã có một bình hoa đẹp để trưng trong nhà. Để hoa sau khi cắm được tươi lâu, bạn nên để bình hoa tại nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp, thay nước cho hoa mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều tối.

6. Một số mẫu cắm hoa sen độc đáo tạo điểm nhấn cho căn phòng

Hoa sen mang nét đẹp giản dị mà thanh cao luôn được ưa chuộng để cắm bình, trưng bày trong gia đình, cửa tiệm. Mỗi độ mùa sen về, khắp các con phố, cửa tiệm, gia đình, ta đều có thể bắt gặp những bình sen. Tuổi trẻ và sắc đẹp sẽ giới thiệu đến bạn những mẫu cắm hoa đẹp, độc đáo.

6.1 Cắm hoa sen nghìn tay

Đây là một cách cắm hoa sen đẹp nhưng lại cầu kỳ, đòi hỏi người cắm phải thật chăm chút, có nhiều thời gian cắm hoa. Bình hoa được cắm theo cách này thường được sử dụng để trưng trong các dịp cúng bái, rằm hoặc để trên bàn thờ tổ tiên.

6.2 Cắm hoa sen trong giỏ

Cách cắm này khá đơn giản, phù hợp với những bạn mới học cắm hoa hoặc không có thời gian. Bạn chỉ cần dùng một chiếc giỏ và cắm bằng xốp, phù hợp để phòng khách hoặc dùng làm quà tặng cũng rất ý nghĩa.

6.3 Cắm hoa sen trong bình gốm

Với cách cắm này không giới hạn số lượng hoa, từ 1-2 bông hoa là bạn đã có một bình hoa đẹp. Tùy vào sự sáng tạo của người cắm mà tạo nên những bình hoa có những dáng khác nhau, tạo nên sự tinh tế cho không gian.

Hoa sen mang nét đẹp giản dị mà thanh cao luôn được ưa chuộng để cắm bình
Hoa sen mang nét đẹp giản dị mà thanh cao luôn được ưa chuộng để cắm bình

6.4 Cắm sen trong nón lá

Đây là một dạng cắm hoa nghệ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chau chuốt. Sự kết hợp giữa hoa sen và nón là mang lại không gian đậm chất Việt Nam. Những bình hoa này thường được dùng trong các bữa tiệc, các hội nghị, sự kiện,…

Advertisement

6.5 Cắm hoa sen bình cỡ lớn

Với cách cắm này, bạn cần có những bông hoa to, dài khoảng 1m, cành sen cứng cáp. Cách cắm này cũng rất kỳ công và độc đáo, thường được trưng bày tại các không gian rộng rãi, mang đến nét đẹp hoài cổ và sang trọng.

7. Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa sen đúng cách

Để có những chậu sen xanh tốt, nở ra những bông hoa đẹp, bạn cần lưu ý một số điều trong cách trồng và chăm sóc cây. Cùng Tuổi trẻ và sắc đẹp tìm hiểu cách trồng đúng và đơn giản nhất bạn nhé!

7.1 Chuẩn bị trồng sen

Miền nam có 2 vụ chính là tháng 12 đến tháng 1 và tháng 5 đến tháng 7, miền bắc nên trồng vào tháng 1 đến tháng 2. Chậu trồng nên có đường kính 30cm trở lên, rộng 40cm, phù hợp gieo 1 hạt (hoặc trồng 1 củ). Bùn có thể lấy bùn trực tiếp từ đầm lầy hoặc ruộng lúa. Nếu bạn không có thì sử dụng đất thịt, đất phù sa rồi ngâm nước, sau đó bóp nhuyễn.

Bạn cho nước vào cao hơn mặt bùn ít nhất 10cm, để ngâm 3 – 5 ngày là có thể trồng cây. Đối với hạt, chọn các hạt mẩy, to đều có vỏ nâu hoặc đen bóng. Đối với củ, chọn củ sen có đầy đủ các mắt, phần rễ có 3 – 4 đoạn kéo dài để chất dinh dưỡng cỏ thể tích lũy đủ.

7.2 Cách trồng 

Chậu trồng hoa phải đặt ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, ít nhất 6 tiếng mỗi ngày để cây quang hợp tốt. Lượng bùn cần đảm bảo chiếm ⅔ chậu thì cây mới có thể phát triển tốt nhất.  Khi trồng hạt, bạn đặt hạt đã nảy mầm vào giữa chậu đã chuẩn bị, không để hạt quá sâu xuống bùn mà chỉ nhẹ nhàng đặt hạt xuống.

Khi trồng củ, bạn phải vạch một đường giữa chậu, đặt củ xuống bùn, mầm hướng lên trên. Sau đó xả nước lên đầy miệng chậu một cách nhẹ nhàng. Sau khi trồng cần bổ sung nước trong chậu 1 – 2 ngày/lần, khi bổ sung nước tránh để nước chảy tràn ra ngoài miệng chậu.

Để có những chậu sen xanh tốt, nở ra những bông hoa đẹp, bạn cần lưu ý một số điều
Để có những chậu sen xanh tốt, nở ra những bông hoa đẹp, bạn cần lưu ý một số điều

8. Những lưu ý khi trồng hoa sen

Trồng sen không quá khó khăn nhưng vẫn cần phải lưu ý một số điểm để cây phát triển tốt nhất. Sau khi ra chậu được một tuần thì nên bổ sung một số loại phân như: phân trùn quế, phân hỗn hợp NPK cho cây. Nếu bạn muốn trồng hoàn toàn hữu cơ thì không sử dụng phân NPK. Khi cây đã xanh tốt, cần loại bỏ lá vàng, lá bị sâu bệnh, những bông hoa héo. Khi cắt, bạn cần cắt sát tận chân lá, hoa phải loại bỏ để cây tiếp tục ra hoa mới.

Sau khoảng 1 năm trồng, bùn trong chậu đã hết chất dinh dưỡng nuôi cây, cần phải thay bùn mới vào chậu. Bạn nhẹ nhàng nhổ sen lên, thay bùn mới rồi trồng lại và tiếp tục chăm sóc. Khi cây mắc sâu bệnh như rệp hay sâu bướm, bạn có thể loại bỏ những cành bị bệnh hoặc sử dụng các loại thuốc trừ sâu hữu cơ. 

Bài viết đã cung cấp những thông tin liên quan đến loài hoa sen vô cùng quen thuộc. Chúng tôi mong rằng, qua bài viết này bạn đã có những thông tin hữu ích cho riêng mình, theo dõi Tuổi trẻ và sắc đẹp để có thông tin tin thú vị nhé!

Advertisement
Chuyên mục: Loài Hoa Đẹp

5 ( 1 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất