Những chiếc xe đạp chở đầy hoa cúc trên các đường phố Hà Nội mang những vẻ đẹp làm ta khó quên. Hoa cúc là loại hoa vô cùng quen thuộc và được ưa chuộng. Đây cũng là loài hoa có những công dụng vô cùng hữu ích trong cuộc sống. Hãy cùng Tuổi trẻ và sắc đẹp tìm hiểu về loài hoa này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Giới thiệu về hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa đã được thuần hóa cách đây hơn 5000 năm TCN, nơi được cho là hoa cúc xuất hiện đầu tiên là ở Nhật Bản và Trung Quốc. Loài hoa này du nhập vào Việt Nam trong khoảng thế kỉ 15 với vô vàn chủng loại. Hoa cúc có vô vàn màu sắc, theo thống kê, có đến hơn 1500 giống hoa cúc khác nhau trên toàn thế giới.
Họ cúc có tên khoa học là Chrysanthemum thuộc họ Asteraceae. Cúc là loài thực vật có hoa, hai lá mầm. Hoa cúc có cụm hoa dạng đầu, bao phấn hữu tính, gồm các nhị hoa kết hợp với nhau. Các gờ của nhị hoa kết hợp lại với nhau bằng các bao phấn, tạo thành các ống. Bầu nhụy được tạo thành từ sự phân bổ của các noãn hoa. Quả của cây thuộc loại quả bế, được tạo thành từ một lá noãn là không nở ra khi chín.
Hoa cúc thường có một hoặc cả 2 loại hoa con. Vòng ngoài của cụm hoa có hình đầu giống như hoa hướng dương, được cấu thành từ các cánh hoa dài, được gọi là lưỡi bẹ hoặc hoa tia. Phần bên trong của đầu cụm hoặc đĩa hoa được hợp thành từ các cánh hoa nhỏ có hình ống, thường được gọi là hoa đĩa, hoa phễu hoặc hoa ống.
Cây hoa cúc có dạng rễ chùm, phát triển theo chiều ngang không ăn sâu xuống đất, có rễ phụ phát triển hút nước và chất dinh dưỡng. Lá cúc thường là lá đơn có hình răng cưa, có hình dáng, kích thước và màu sắc tùy theo chủng loại của cây cúc. Thân cúc giòn, dễ gãy, thân thảo.
2. Hoa cúc có mấy loại?
Hoa cúc vô cùng đa dạng về chủng loại, theo thống kê có hơn 1500 loài hoa cúc với màu sắc, hình dáng khác nhau. Dưới đây là một số loại hoa cúc phổ biến tại Việt Nam.
2.1. Hoa cúc họa mi
Cúc họa mi là loài hoa vô cùng được yêu thích mỗi độ thu về. Những cánh đồng cúc họa mi luôn là điểm đến thu hút người dân tới tham quan. Cúc họa mi có hình dáng nhỏ nhắn, cánh hoa có màu trắng với nhụy hoa màu vàng. Tuy có vẻ đẹp xinh xắn và thu hút, những màu cúc họa mi lại không kéo dài, thường chỉ bắt đầu vào tháng 11 và kết thúc sau đó 2 đến 3 tuần.
2.1. Hoa cúc vàng
Hoa cúc vàng có kích thước khá lớn, hơn hẳn các loại cúc khác, đặc biệt là cúc đại đóa. Loài hoa này có màu vàng tươi vô cùng bắt mắt, thường được dùng trong thờ cúng và các dịp như tảo mộ, ma chay,.. Hoa cúc vàng có màu vàng tươi rất nổi bật, cùng với đặc tính lâu tàn nên được mọi người ưa chuộng.
2.3. Hoa cúc thạch thảo
Hoa cúc thạch thảo có kích thước khá nhỏ, có màu tím đặc trưng. Bởi cánh hoa nhỏ nên thường được gọi với tên gọi khác là cúc cánh mối. Với vẻ đẹp nhẹ nhàng, cúc thạch thảo thường được sử dụng làm quà tặng, trang trí trong các dịp lễ, tết, các sự kiện đặc biệt.
2.4. Hoa cúc chi
Hoa cúc chi là một trong những loại hoa cúc nhỏ bé nhất, chỉ có kích thước bằng đầu ngón tay cái của người lớn. Những bông hoa cúc chi nhỏ nhắn, nở chi chít trên những cánh đồng là hình ảnh vô cùng lãng mạn. Hoa thường nở vào tháng 7 âm lịch, giai đoạn giữa mùa hạ và mùa thu. Loại hoa này thường được sấy khô để làm trà thảo mộc.
2.5. Hoa cúc mâm xôi
Hoa cúc mâm xôi là loài hoa rất độc đáo và được ưa chuộng. Loài hoa này có màu vàng rực rỡ, nở tán tròn phủ kín màu vàng tươi nên được gọi là cúc mâm xôi. Ngày Tết âm lịch, mỗi gia đình đều trưng một chậu hoa cúc mâm xôi để cầu bình an, sức khỏe dồi dào cho các thành viên trong gia đình.
2. 6. Hoa cúc ngũ sắc
Hoa cúc ngũ sắc có nhiều tên gọi khác như cúc Zinnia, cúc lá nhám, cúc cánh giấy. Loại hoa cúc này có năm màu là đỏ, vàng, trắng, cam, hồng. Với nhiều màu sắc bắt mắt, cúc ngũ sắc thường được trồng làm cảnh ở ban công, vườn nhà, ven đường,.. Ngoài ra, do có đặc tính sinh trưởng tốt, bền lâu theo thời gian nên loại hoa cúc nhiều màu sắc này rất được ưa chuộng.
3. Ý nghĩa về hình ảnh hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa có rất nhiều giống được trồng và lai tạo trên khắp thế giới. Khi tìm hiểu về ý nghĩa của loài hoa này, ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của hoa cúc theo từng màu sắc riêng.
3.1. Hoa cúc vàng
Với màu sắc rực rỡ, hoa cúc vàng đại diện cho nghị lực, ý chí vươn lên, khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống của con người. Dù phía trước là gian lao vất vả, vẫn mạnh mẽ đương đầu. Ngoài ra, hoa cúc vàng còn mang ý nghĩa biết ơn, tri ân những người đã giúp đỡ mình. Loài hoa này cũng đại diện cho tấm lòng hiếu thảo của con cháu, luôn ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục đối với tổ tiên.
3.2. Hoa cúc trắng
Hoa cúc trắng là đại diện cho sự thuần khiết, trong trẻo. Những bông hoa màu trắng tinh khôi như những cô gái nhỏ mơ mộng, tâm hồn trong sáng, tràn đầy tình yêu đối với cuộc đời. Đây cũng là loại hoa đại diện cho tuổi học trò ngây thơ, nhí nhảnh.
3.3. Hoa cúc đỏ
Loài hoa này mang một màu sắc mạnh mẽ, đại diện cho sự đoàn kết, gắn bó của tình anh em, bạn bè. Dù ở đâu thì tình bạn luôn bền chặt, keo sơn, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Những bó hoa cúc đỏ như một lời hứa, lời khẳng định cho tình bạn vững vàng, không đổi thay.
3.4. Hoa cúc tím
Hoa cúc tím là hình ảnh của sự gắn bó, thủy chung trong tình yêu. Màu tím của hoa còn là biểu tượng cho tình yêu bền vững, không thay lòng đổi dạ dù phải trải qua khó khăn, gian khổ. Những bông hoa cúc tím là biểu tượng cho tấm lòng chung thủy, sắt son, không ngại chông gai bão tố của tình yêu.
3.5. Hoa cúc xanh
Màu xanh của hoa cúc là màu sắc dịu dàng, đại diện cho niềm tin, hy vọng và cuộc sống hạnh phúc. Thông qua những bông hoa cúc này, thông điệp về giá trị cuộc sống tốt đẹp, nhân văn, sống có ích cho đời được truyền tải đến với mọi người.
4. Công dụng của hoa cúc đối với sức khỏe con người
Theo các tài liệu đông y, hoa cúc trắng có vị ngọt, tính hơi hàn, hoa cúc vàng có vị đắng, tính ôn vào 3 kinh phế, can, thận. Dược liệu này được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc, ngâm rượu, pha trà, ướp chè.
Theo y học hiện đại, hoa cúc có một số hoạt chất như choline, stachydrin, vitamin A,… được sử dụng để điều trị, làm thuyên giảm các chứng bệnh như:
- Kháng khuẩn
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
- Chống phát ban
- Hạ sốt, cảm lạnh
- An thần, cải thiện giấc ngủ
- Mát gan, làm đẹp da
- Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư…
5. Các bài thuốc chữa bệnh về hoa cúc
Bởi dược tính và công dụng đặc biệt của mình, hoa cúc góp mặt trong rất nhiều bài thuốc đông y. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn một số bài thuốc thành phần là loại hoa này.
5.1. Nước rửa mắt từ hoa cúc, xuyên khung
- Thành phần: Hoa cúc 6g, xuyên khung 6g, thạch bì 6g
- Công dụng: Dùng cho bệnh đau mắt, mắt sưng đỏ, viêm mí mắt
- Cách sử dụng: Sắc 2 nước rồi lọc sạch, dùng nước này rửa mắt 3 lần/ngày
5.2. Thang kỷ tử, hoa cúc và địa hoàng
- Thành phần: Hoa cúc 4g, sơn dược 6g, phục linh 6g, địa hoàng 16g, câu kỷ tử 4g, sơn thù du 8g, trạch tả 6g, mẫu đơn bì 6g
- Công dụng: Điều trị hoa mắt, ù tai, chóng mặt, gan thận hư
- Cách dùng: Sắc lấy nước uống mỗi ngày một tháng, 2 lần/ngày sáng và tối
5.3. Trà hạ nhiệt
- Thành phần: Hoắc hương 10g, hoa cúc 15g, cam thảo 10g
- Công dụng: Giảm nóng trong, phòng cảm nắng và trúng độc do cảm nắng
- Cách dùng: Hãm nước uống thay trà
5.4. Cúc địa thang
- Thành phần: Hoa cúc 10g, địa định 10g
- Công dụng: Điều trị các bệnh ngứa ngoài da
- Cách dùng: Trộn lẫn, sắc 2 nước, lọc kỹ rồi bôi vào vùng da bị ngứa.
5.5. Trà hoa cúc, thanh bì
- Thành phần: Hoa cúc 10g, thanh bì 10g
- Công dụng: Dùng cho bệnh đau bụng do khí tụ, không được tuần hoàn, lưu thông
- Cách dùng: Hãm với nước sôi, uống thay nước hoặc trà
6. Cách trồng và chăm sóc hoa cúc tại nhà
Hoa cúc là loài hoa sinh trưởng tốt, dễ trồng và dễ chăm sóc. Dưới đây là cách trồng và chăm sóc hoa cúc mà bạn có thể tham khảo.
6.1 Cách trồng hoa cúc đơn giản
Hoa cúc có thể trồng quanh năm, thích hợp với nhiều điều kiện thời tiết. Loại đất phù hợp nhất để trồng hoa là loại đất thịt pha cát, đất thịt nhẹ, có độ tơi xốp, thoát nước tốt. Trước khi trồng, đất cần được cày xới để bộ rễ chùm của cây có thể phát triển tốt nhất.
Bạn nên trồng hoa vào thời điểm mát mẻ, vào buổi chiều muộn. Lựa chọn những cây giống mập mạp, xanh tốt và khỏe mạnh để có tỷ lệ sống cao. Bạn đặt các cây non vào luống, vào chậu rồi vun đất sát gốc. Sau đó tưới đẫm nước và để nơi râm mát. Lưu ý trong quá trình trồng, bạn cần nhẹ tay để không làm nát cây, giữ cho lá sạch sẽ để cây có thể quang hợp tốt.
6.2. Cách chăm sóc hoa cúc để cây phát triển tốt
Hoa cúc khá dễ chăm sóc nên bạn chỉ cần lưu ý một số điểm để cây luôn khỏe mạnh và nhiều hoa. Bạn không cần tưới nước thường xuyên, khi đất khô mới nên tưới cho cây, chú ý không tưới ngập nước sẽ gây chết rễ. Nếu bạn thấy có cỏ dại mọc ở luống hoa, chậu cây thì nên nhỏ bỏ. Điều này nhằm tránh cỏ dại hút hết chất dinh dưỡng của hoa và phòng tránh sâu bệnh hại.
Sau khi cây đã phát triển và chuẩn bị ra hoa, bạn nên tỉa bớt các cành phụ ở nách lá để có thể tập trung sinh dưỡng nuôi hoa. Khi bấm ngọn bạn có thể bấm sớm vào 20 ngày sau trồng và giữ lại 3 – 4 nhánh cây non. Khi hoa cúc đã ra những chùm lớn, nên bấm những nụ mọc nhanh để, đảm bảo các nụ mọc đều nhau. Hoặc với những loại cúc nhỏ, mọc thành bụi, bạn nên bấm nhiều lần đề tạo thêm nhiều nhánh cây.
7. Hoa cúc có giá bao nhiêu? Mua ở đâu đẹp nhất?
Hoa cúc là loại hoa phổ biến và rất dễ trồng nên giá thành của loại cây này tươi đối thấp. Với khoảng 10.000 đồng, bạn đã có thể mua được một cây giống hoa cúc để trồng tại nhà. Khi bạn mua cây con với số lượng lớn sẽ có giá thành rẻ hơn.
Hiện nay có rất nhiều nơi bán hoa cúc như các vườn ươm, cửa hàng cây cảnh, cửa hàng hạt giống,… Hoặc bạn có thể mua trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những nơi uy tín để mua được những cây con đạt chuẩn, có tỷ lệ sống cao.
Bài viết trên đã cung cấp đến bạn những thông tin về loài hoa cúc. Mong rằng bạn đã có cho mình những thông tin bạn đang tìm kiếm. Tiếp tục theo dõi Tuổi trẻ và sắc đẹp để có thêm những thông tin hữu ích khác nhé!