Hạt điều luôn nằm trong danh sách những loại hạt dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe. Điều được dùng trong ăn vặt, chế độ giảm cân, chế biến món ăn,… Dù được nhiều người sử dụng là thế, nhưng không phải ai cũng biết loại hạt này có giá trị dinh dưỡng và tác dụng như thế nào. Hãy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp tìm hiểu một số thông tin về hạt điều các bạn nhé!
1. Nguồn gốc của hạt điều
Điều có tên tiếng Anh là Cashew. Đây là loại cây công nghiệp dài ngày thuộc vào họ Xoài (Anacardiaceae), có nguồn gốc từ vùng đông bắc Brasil. Ngày nay, điều được trồng phổ biến ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới tại châu Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Úc, mục đích chính là thu hoạch nhân điều chế biến làm thực phẩm. Ngoài ra, nó còn được sản xuất làm dầu vỏ hạt điều.
Ở Việt Nam, cây điều là loại cây công nghiệp dùng vào nhiều mục đích, được trồng rộng rãi ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, như: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng,…
2. Đặc điểm của hạt điều
Điều là loại cây nhiệt đới, thường xanh. Thân cây cao khoảng 5 – 10m, thân ngắn cành dài. Rễ điều to, khỏe, gồm rễ cọc và nhiều rễ chùm, thường mọc sâu, lan rộng trong đất, bên dưới tán lá. Lá điều là lá đơn nguyên, có hình trứng tròn đều, mọc so le và cuống ngắn. Hoa nhỏ, có màu trắng, mọc từng chuỳ, mùi thơm dịu. Quả điều có 2 phần là phần chín mọng ăn được (quả giả) và phần hạt nguyên vỏ (quả thật). Tại phần quả thật, nhân điều bên trong chính là hạt điều. Hạt điều có hình hạt đậu lớn, chứa dầu béo, đây cũng là phần có giá trị nhất của cây. Khi tươi, vỏ hạt màu xanh xám, khi khô, lớp vỏ chuyển sang màu nâu. Trọng lượng hạt thường từ 3 – 5g/hạt.
3. Thành phần dinh dưỡng có trong hạt điều
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, nhiều người lựa chọn thêm vào hạt điều. Loại hạt này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong 100g hạt thường có:
- Năng lượng: 553 kcal (2.310 kJ)
- Cacbohydrat: 30.19 g
- Tinh bột: 0.74 g
- Đường: 5.91 g
- Chất xơ: 3.3 g
- Chất béo: 43.85 g
- Chất béo bão hòa: 7.783 g
- Chất béo không bão hòa đơn: 23.797 g
- Chất béo không bão hòa đa: 7.845 g
- Chất đạm: 18.22 g
Ngoài ra, hạt rất giàu vitamin (vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, E,…) và khoáng chất (Canxi, Magie, Sắt, Photpho, Kali,…).
4. Những tác dụng của hạt điều
Việc ăn hạt điều mỗi ngày có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, như:
4.1. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Trong hạt chứa polyphenol và carotenoid dồi dào, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏe mạnh. Chất chống oxy hóa trong hạt điều giúp trung hòa các gốc tự do, từ đó, giảm viêm và hạn chế nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
4.2. Hỗ trợ giảm cân
Đây là loại hạt chứa ít calo, giàu protein, giàu chất xơ. Khi ăn loại hạt này, bạn sẽ có cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn. Nhờ đó, giúp hỗ trợ quá trình giảm cân một cách hiệu quả.
4.3. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Loại hạt này là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt, giúp giảm huyết áp, giảm chất béo trung tính và lượng cholesterol toàn phần. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn hạt này hàng ngày giúp bạn giảm lượng cholesterol, cải thiện sức khỏe tim mạch rất tốt.
4.4. Hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường
Trong hạt điều có chứa hàm lượng chất xơ dồi dào. Đây là lý do mà những bệnh nhân tiểu đường nên thêm hạt điều vào khẩu phần ăn hàng ngày. Chất xơ trong hạt điều giúp kiểm soát cũng như ngăn ngừa sự phát triển đột biến của lượng đường có trong máu.
4.5. Tốt cho cơ bắp, thần kinh
Hạt có chứa hàm lượng magie khá cao, đóng vai trò trong sự phát triển xương, cơ cũng như một số cơ quan khác của cơ thể. Việc ăn loại hạt này hàng ngày giúp bạn xây dựng cơ bắp chắc khỏe, duy trì huyết áp và các chức năng thần kinh. Từ đó, thần kinh tốt, cơ thể được khỏe mạnh hơn.
4.6. Thúc đẩy hình thành RBC
Hạt giàu đồng, có tác dụng chuyển hóa các chất sắt bên trong cơ thể, hỗ trợ thúc đẩy hình thành tế bào hồng cầu (RBC), bảo vệ hệ miễn dịch. Ngoài ra, đồng còn giúp ngăn ngừa loãng xương, thiếu máu, duy trì nhịp tim ổn định.
4.7. Giảm nguy cơ thiếu máu
Ăn loại hạt này có thể giảm nguy cơ thiếu máu. Do trong hạt có chất sắt, chất này giúp hỗ trợ tổng hợp huyết sắc tố (hemoglobin), nhờ vậy, vận chuyển oxy đi khắp cơ thể được dễ dàng hơn.
Không những vậy, ăn hạt điều giúp bổ sung sắt, tránh gây mệt mỏi, thiếu máu. Từ đó, người dùng tránh được các nguy hại ảnh hưởng tới chuyển hóa tế bào, rối loạn các chức năng của mô, hay mắc các bệnh nhiễm trùng.
4.8. Hỗ trợ ngăn ngừa sỏi mật
Sỏi mật hình thành là do những chất lắng đọng, giống như sỏi, gồm cả cholesterol được tích tụ trong túi mật. Ăn hạt có thể hỗ trợ giảm lượng cholesterol hiệu quả, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa sỏi mật rất tốt.
4.9. Tăng cường hệ thống miễn dịch
Hạt giàu khoáng chất, trong đó có cả kẽm. Hàm lượng kẽm trong hạt giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại một số bệnh nhiễm trùng, giúp chữa lành vết thương.
4.10. Tốt cho xương
Đồng có trong loại hạt này góp phần không nhỏ trong việc duy trì collagen và elastin. Đây là các thành phần cấu trúc chính trong cơ thể. Nếu thiếu hụt đồng, mật độ khoáng của xương trong cơ thể thấp, dễ gây ra bệnh loãng xương. Ngoài ra, việc thiếu hụt đồng cũng dẫn đến các mô cơ thể có thể bị phá vỡ, từ đó, gây rối loạn các chức năng về khớp.
5. Hạt điều trồng ở đâu nhiều nhất?
Tại Việt Nam, loại hạt này được trồng ở rất nhiều vùng khác nhau, tùy vào thổ nhưỡng và khí hậu. Trong đó, Bình Phước là nơi được trồng nhiều nhất, được coi là vùng đất mang lại năng suất trồng điều cao nhất của cả nước. Khí hậu tại đây nóng ẩm, có hai mùa mưa nắng rõ rệt, có đất đỏ bazan và đất xám bạc, là những điều kiện thích hợp cho cây điều phát triển.
Ngoài ra, điều còn được trồng ở một số địa phương khác như: Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định, Bình Thuận,… Nhưng hạt điều Bình Phước vẫn được đánh giá cao, có chất lượng vượt trội hơn hẳn các vùng khác.
6. Những tác hại có thể gặp phải khi ăn hạt điều
Hạt điều có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn vẫn cần lưu ý một số tác hại có thể gặp phải khi ăn hạt điều, như:
6.1. Hạt điều sống có thể gây ngộ độc
Vỏ hạt chứa phenolic urushiol, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Biểu hiện thường gặp khi ngộ độc như tiêu chảy, ói mửa, gây ngứa, dị ứng, viêm da,…
6.2. Ăn nhiều có thể gây tăng cân
Hạt chứa nhiều chất béo không bão hòa, khi tiêu thụ quá nhiều có thể gây khó tiêu. Chất béo trong hạt tích tụ trong cơ thể có thể gây ra tăng cân.
6.3. Ảnh hưởng đến tim mạch
Khi ăn hạt điều rang muối quá nhiều, hàm lượng natri trong sản phẩm có thể gây hại cho tim mạch của bạn. Natri là tác nhân phổ biến gây tình trạng tăng huyết áp, nó chứa nhiều bên trong hạt điều đóng hộp, đặc biệt là loại rang muối.
Với những giá trị dinh dưỡng dồi dào như vậy, bạn nên thêm hạt điều vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Hy vọng rằng qua bài viết này, Tuổi trẻ và Sắc đẹp có thể cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích nhé!