Công dụng điều trị bệnh hiệu quả bất ngờ của lá vọng cách

Nguyễn Mai 180

Lá vọng cách thường được biết đến là một loại rau quen thuộc trong bữa cơm của các gia đình Việt. Không chỉ ngon và bổ dưỡng, thảo dược này còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe, cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

1. Giới thiệu về cây vọng cách

Đây là cây thuốc quý, phân bố trải dài ở vùng nước ngọt cho đến nước lợ, nước mặn. Vọng cách xuất hiện nhiều ở đầm lầy, ven biển, ven trảng rừng, những nơi có bóng râm một phần hoặc ánh sáng toàn phần. Cây mọc hoang ở khắp mọi nơi trên nước ta, Lào, Campuchia. Ngoài ra, loại cây này còn phân bố ở Indonesia, Ấn Độ, châu Úc.

Vọng cách thường mọc thẳng đứng thành bụi lớn, với chiều cao khoảng 7 – 8m. Cây phân nhiều nhánh, ít khi leo, lá hình trái xoan, mọc đối chữ thập. Gốc lá vọng cách có mũi ngắn, chiều dài lá khoảng 16cm, rộng khoảng 12cm hoặc hơn. Mặt dưới lá có ít lông, khi non có màu xanh nhạt, khi già có màu xanh đậm hơn. Hoa vọng cách nhỏ, có màu trắng xám. Quả hình trứng, khi chín có màu đen.

Giới thiệu về cây vọng cách
Vọng cách xuất hiện nhiều ở đầm lầy, ven biển, ven trảng rừng

2. Thành phần hóa học có trong lá vọng cách

Loại cây này còn được gọi là lộc cách, lá cách, cây nhội, có tên khoa học là Premna integrifolia L, thuộc họ cỏ roi ngựa. Không có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của lá vọng cách. Nhưng theo các nhà khoa học, trong dược liệu này có chứa 2 hoạt chất ancaloit là ganiarin và premnin, phần rễ có tinh dầu thơm và một chất màu vàng.

3. Những tác dụng của cây vọng cách

Trong Đông y, dược liệu này có vị chát, tính bình, có tác dụng thông tiểu tiện, tăng cường chức năng gan, hệ tiêu hóa, trị phong thấp, lợi sữa, điều trị huyết áp thấp. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, lá này có khả năng làm co mạch, nở đồng tử, tăng tiết nước bọt giúp ăn ngon hơn,… 

Tại Ấn Độ, người ta dùng cây để trị đau dây thần kinh, đau dạ dày, đau gan, làm thuốc hạ nhiệt, rễ cây chữa chứng xuất huyết não. Người dân nước này sử dụng lá vọng cách nhiều dưới dạng súp để làm thuốc lợi tiêu hóa, gây trung tiện. Ở Ấn Độ và Indonesia, dược liệu được dùng để chữa thấp khớp, giúp phụ nữ sau sinh lợi sữa.

Những tác dụng của cây vọng cách
Lá vọng cách có lợi cho gan và hệ tiêu hoá

4. Các bài thuốc từ lá vọng cách

Với những tác dụng đa dạng mà chúng tôi liệt kê bên trên, lá vọng cách là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Ngoài ra, nhờ đặc tính dược lý, thành phần hóa học đa dạng nên loại lá này ứng dụng trong nhiều bài thuốc:

  • Thanh nhiệt, giải độc: Xào dược liệu cùng thịt bò và tỏi để làm món ăn
  • Trị gan nhiễm mỡ, đầy bụng, kén ăn: Sao vàng hạ thổ 30g dược liệu, 10g cỏ mần trầu, 20g lá chi tử hoặc lá dành dành (thêm 15g vỏ quýt lâu năm nếu đầy bụng), 10g râu ngô, 5g đậu đen, 20g nhân trần, đem tất cả dược liệu sắc cùng 800ml nước lọc, đến khi còn 300ml thì chắt nước, uống nhiều lần trong ngày, thực hiện liên tục từ 1 – 3 tháng
  • Trị tiêu chảy, kiết lỵ: Rửa sạch 5 lá tươi, ăn sống, dùng 2 – 3 lần mỗi ngày
  • Điều trị bệnh đại tràng: Sắc 10g lá khô, 10g bạch truật khô, 10g khổ sâm đã rửa sạch với 500ml nước lọc, đến khi còn 150ml thì chắt uống, thực hiện trong 7 – 10 ngày
  • Giúp mẹ bầu lợi sữa: Rửa sạch lá rồi phơi khô trong bóng râm, hãm 10g dược liệu và 20g chè vằng với 500ml nước sôi trong 20 phút, uống ngay khi còn ấm, mỗi ngày một lần
  • Điều trị huyết áp thấp: Hãm 15g lá khô với 300ml nước sôi trong 20 phút, uống khi còn ấm, mỗi ngày một lần

5. Những món sử dụng lá vọng cách

Nhiều người biết đến công dụng chính của lá này là nguyên liệu làm các món ăn thơm ngon. Có nhiều món hấp dẫn từ lá vọng cách và bạn có thể chế biến thành các kiểu khác nhau:

  • Ăn sống trực tiếp: Người ta thường cho kèm lá này với rau sống, ăn với bánh khọt, bánh xèo, nướng với thịt cá, chấm nước mắm,…
  • Luộc chung với các loại rau khác, nhúng kèm ăn lẩu
  • Thái nhỏ lá này cho vào xào hoặc om với các món ăn nổi tiếng như thịt rắn, ếch, thịt trâu, thịt bò,…
Những món ăn ngon từ lá vọng cách
Lá vong cách xào thịt bò vừa là bài thuốc giải độc vừa đem lại hương vị thơm ngon

6. Cách trồng và chăm sóc lá vọng cách đơn giản tại nhà

Nếu bạn yêu thích bánh xèo hoặc cá kho lạt cuốn bánh tráng thì có thể trồng vọng cách ngay tại nhà làm rau ăn cùng. Loại cây này có thể trồng bằng cách giâm cành hoặc gieo hạt. Cách trồng vọng cách như sau:

Advertisement

  • Giâm cành: Chặt nhánh cây dài khoảng 3 – 4 tấc, lựa cành suôn thẳng, không quá già hoặc quá non, đặt vào chậu đất có độ ẩm vừa phải
  • Gieo hạt: Ngâm hạt cây một ngày trong nước, rải một lớp phân xuống dưới đất, vùi hạt xuống đất

Đất trồng cây có thể là đất thịt hoặc cát pha tơi xốp, có độ ẩm trung bình, thoát nước tốt. Thời điểm trồng cây tốt nhất là vào mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 10) và mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 4) hàng năm. Trồng vọng cách theo hàng, cây cách nhau khoảng 1m. Tưới nước thường xuyên vào mùa khô, phủ gốc bằng cỏ, rác để hạn chế cỏ dại mọc. Nên tiến hành xới gốc cây sau mỗi trận mưa to, một năm khoảng 2 – 3 lần.

Bài viết trên đây đã tổng hợp tất cả thông tin về lá vọng cách. Mong rằng, các bạn đã biết được công dụng và cách dùng dược liệu này hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Advertisement
Chuyên mục: Cây thuốc nam

5 ( 1 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất