Người mẹ bị điên nhân hậu – Dù mẹ có ra sao thì tình mẫu tử vẫn là thứ thiêng liêng nhất

Vũ Linh 511

Ngày trước tôi làm việc tại nhà hộ sinh hơn ba chục năm. Giờ về nghỉ hưu cũng đã chục năm mà vẫn nhớ như in những câu chuyện, con người, sự việc…đã trải qua thời đó .

Nay nhàn rỗi lại có FB kết nối bạn muôn phương .

Nhớ lại những chuyện năm xưa cũng nhiều chuyện vui buồn hay phết, nên viết lại hồi kí để lưu giữ kỉ niệm, cũng là tôi luyện trí nhớ để chống lão hoá lẩm cẩm .

Nhiều câu chuyện hiện về như vừa hôm qua, xin ghi lại và chia sẻ với bạn đọc, mong mọi người giải khuây chốc lát nhé !

Hôm đó tôi trực đêm.

Có sản phụ chuyển dạ vào khám, cô ta đi người không, chẳng có người đưa đến,cũng chẳng có đồ đạc làn túi gì, người hôi hám bẩn thỉu, cứ xoắn xuýt xoa bụng kêu đau.

Nghi cô bị bệnh tâm thần, định chuyển viện mà sợ không kịp .

 

 

(Tuyến dưới là nhà hộ sinh chỉ được đỡ đẻ thường 95% và can thiệp thủ thuật 5% . Các trường hợp bệnh lí của sản phụ phải chuyển lên tuyến trên)

Tôi khám cho cô ta, cổ tử cung đã mở 4-5 phân (10 phân là mở hết), nên cho vào ngay phòng đẻ, cô đau mau thế này nếu vỡ ối là đẻ ngay rất nhanh .

Cô ta đau quá la hét inh ỏi, khóc lóc ầm ĩ. Hết đau lại cười ha há, sợ ơi là sợ !

Thế mà bác sĩ, hộ sinh ai nói gì cô cũng nghe răm rắp .

Bảo thay váy áo cũng ngoan ngoãn thay ngay.

Bảo rửa mặt rửa tay cho sạch mà còn bế con, cũng nghe cun cút .

Bảo nằm lên bàn, sắp đẻ ra con rồi, đẻ xong sẽ hết đau ngay, cũng cun cút trèo lên .

(Cái bàn đẻ ngày xưa cao ngang ngực người đỡ, nên phải leo ba bậc thang mới nằm lên được)

Ôi, lúc sắp sinh mới đau làm sao, cô ta kêu gào như bò rống, uốn cong người trên cái bàn cao vút, chỉ sợ cô ngã xuống đất thì gay .

Cả ca trực bốn năm người xúm lại giữ cho cô ý khỏi rơi ra ngoài bàn, có người còn hiến kế : Hay trói cô ta vào bàn cho khỏi rơi !

Rồi mỗi người đứng chặn một bên cho cô ta khỏi ngã, hai người giữ hai chân cho cô không kẹp vỡ đầu con. Tôi đỡ cho cô ta, cứ nịnh nọt như dỗ trẻ con :

– Nào Bắc ơi ngoan quá, cố lên một hơi nữa như đi ị ấy nào ! Đấy ! Đấy , giỏi quá, ngoan quá, sắp được làm mẹ trẻ con rồi ! Ui, ngoan quá, giỏi quá. Em bé ơi ra ăn kẹo nào !

Mẹ Bắc ngoan lắm, không khóc nhè chửi bậy đâu nhỉ, bé yêu mẹ lắm này. Cố lên hơi nữa nào, dài hơi lên, sắp ra rồi !…Thôi, thôi…, há mồm thở ra, thở hết hơi ra, ra rồi …con trai nhé Bắc ơi ! Hihi …Bắc giỏi quá nhỉ !

Bỗng cô ta ngồi phắt dậy, giằng đứa con vừa đẻ ra chưa kịp cắt rốn trong tay tôi, làm đứt dây rốn của bé còn đang nối với bánh rau trong bụng mẹ, máu me văng tứ tung.

Sợ cô ta liệng đứa trẻ xuống đất vì nó đã làm cô đau đớn nên cô thù .

Tôi vội giữ hai tay cô ta đang ôm đứa bé lại, dỗ dành :

– Ấy ấy ! Bắc làm gì em bé đấy, khéo rơi con xuống đất bây giờ .

Đưa đây chị mặc áo cho em bé kẻo em bị lạnh thì ốm đấy Bắc ơi !

Mắt cô ta long lên sòng sọc, quát tướng lên :

– Cấm đứa nào bắt con của tao, tao giết chết cả lũ chúng mày ngay bây giờ !

Rồi cứ ngồi chồm chỗm trên bàn đẻ ôm chặt đứa con máu me bê bết vào ngực mình đung đưa ru rín…

Bốn năm người chúng tôi ở đó sợ chết lặng. Trong phòng đẻ dao kéo sẵn đầy, nó mà lên cơn điên nhảy xuống cầm dao kéo tấn công chúng tôi thì gay go to .

Hoảng sợ quá mà bỏ chạy theo bản năng thì cũng không được. Sản phụ vừa đẻ chưa bong nhau, em bé vừa ra đang bị đứt dây rốn, máu chảy ròng ròng, sản phụ đang bị kích động, nếu quát nạt, vũ lực chỉ làm nó lên cơn điên nặng hơn, mà dỗ dành ngọt nhạt thì ai dám lại gần con điên lúc này đây, khéo lại oan gia mất mạng với nó .

Tôi trẻ nhất trong ca trực, lại tiếp xúc cô ấy từ đầu và gần gũi với cô ta lâu nhất. Đành dũng cảm nhận phần trách nhiệm nặng nề .

Thấy cô ta đang nhìn ngắm đứa con rất tình cảm âu yếm, còn hôn con chùn chụt, lấy váy áo lau bẩn cho con .

Tôi quay sang ra hiệu cho mọi người tản bớt ra ngoài, chỉ còn một người ở lại phụ tôi thôi .

Rồi nhẹ nhàng đến bên cô ta, khen em bé xinh đẹp. Bảo cô ta nằm xuống, đắp cho cô cái áo lên người .

Cô ta nhìn tôi cười hì thân thiện, nhìn quanh chẳng có ai nữa mới hỏi :

– Mấy người kia định bắt con tao đi đâu hết rồi ?

– Họ về nhà rồi em ạ ! Đưa con cho chị buộc rốn kẻo bé chảy máu thế này đau lắm !

Thế mà nó đưa ngay đứa con cho tôi, còn nằm ngoái đầu xem tôi làm gì con nó .

Làm rốn, mặc áo quấn khăn ủ ấm cho bé xong, tôi cho bé nằm gối đầu tay mẹ. Nó nằm im ngắm nhìn con, vẻ mặt thật là hiền dịu chẳng ai bảo điên .

Cũng nịnh nọt nó thêm lần nữa mới lấy được nhau thai ra, may không phải khâu vá gì .

Cho được nó ra giường hậu sản mới thở phào nhẹ nhõm .

Ngày bao cấp, sản phụ được nằm tách con. Có bs y tá theo dõi chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và con riêng phòng. Ngày 7 lần sản phụ lên phòng nhi đón con cho bú. Ai chưa có sữa thì báo để bs phát cho bình sữa cho bé ăn sữa ngoài.

Bệnh viện có nhà bếp, nhà ăn, phục vụ sản phụ ngày 3 bữa chính. Chiều tối người nhà được vào thăm một vài tiếng. Sản phụ đẻ 5-7 ngày mới được ra viện.

Sáng ngày ra viện phải xếp hàng thanh toán tiền ăn và tem gạo, nếu không có tem gạo thì đóng hơn chút tiền. Không mất tiền gì ngoài tiền ăn, chắc bốn năm đồng bạc. Hồi đó lương tối thiểu 36₫/tháng)

Vậy nên muốn tách con cô ta về phòng nhi để chăm sóc cũng không dễ đâu nhé. Vì lúc nào nó cũng sợ mọi người bắt mất con .

Sáng nào nó cũng chầu chực ở phòng thanh toán viện phí. Thấy ai được trả lại mấy hào lẻ là chìa tay xin ai cũng cho.

Từ lúc đẻ xong nó như người bình thường, chỉ thấy đầu bù tóc rối mọi người mới nghi nó điên hay hâm hâm thôi .

Lúc ra viện nó cũng xếp hàng trả tiền viện phí như ai, biết không xin được của nhà nước nên nó phải xin của bệnh nhân khác, điên mà khôn phết nhỉ ?

Nó rất quí tôi, nên tôi cứ trêu bảo :

– Cho con đi cho nó sướng đời, chứ làm sao mày nuôi được nó !

Nó bảo :

– Cháu đi gánh nước thuê ở chợ Hàng Than, tối về ngủ gầm cầu, cháu phải nuôi nó lớn để sau này nó nuôi cháu chứ !

…Thế mà nó đẻ được 4 đứa con, nuôi hết không cho ai đứa nào .

Tôi đỡ cho nó 2 đứa mà nó vẫn nhớ tên tôi, (cứ gọi bà xưng cháu thay con mặc dù tôi chỉ hơn nó có vài tuổi)

Có lần đi chợ Hàng Than, tôi gặp nó và lũ con, lúc ấy thằng cu đầu lòng đã lên 15 tuổi, các con nó đứa nào cũng mẫm màm mũm mĩm, cao ráo xinh xắn khoẻ mạnh. Chúng líu tíu đi theo mẹ, bế ẵm ôm em như mèo tha chuột, chúng cứ ôm ẵm hôn hít mẹ, quấn quít vui vẻ nói cười.

Cũng biết chào hỏi tôi, chứ không giương mắt ếch lên nhìn. Các cháu đều được đi học đến nơi đến chốn, vì ngày xưa thời bao cấp đi học được miễn phí, vào bệnh viện cũng miễn phí .

Mẹ nó chăm chỉ vất vả làm ăn kiếm tiền kiếm cơm nuôi lũ con, ai ở chợ sai gì cũng làm, từ khuân vác, gánh nước, rửa bát, quét chợ …

Đến bữa mẹ con nó được cho cơm thừa canh cặn cuối buổi bán hàng .

Mẹ con xúm vào ăn rồi cùng nhau rửa dọn hàng quán cho chủ .

Mấy đứa trẻ con lê la đầu chợ ai cũng thương hại, mấy bà bán hàng gọi cho đồng quà tấm bánh ăn vặt cũng đủ no nê …

Chắc nó chẳng biết dạy dỗ con, chỉ có tình yêu thương con vô bờ của người mẹ mới làm cho nó gần như khỏi bệnh mà sống chăm chỉ làm ăn nuôi lũ trẻ hàng ngày .

Lũ trẻ lớn lên như cây dại ven đường, được các bà các cô ngoài chợ dạy cho biết những cái hay cái dở, cái nết làm người, may đứa nào cũng ngoan ngoãn biết nghe lời, không cục cằn tham lam hư hỏng trộm cắp …

Câu chuyện có thật 100% . Ai ở gần chợ Hàng Than Hà Nội ngày xưa (thập niên 70-80) chắc cũng biết “con Bắc điên” này đấy ạ ! (Ở chợ toàn gọi nó thế )
Cho tôi hỏi thăm cô ấy và lũ trẻ thế nào rồi ạ .

Vì từ ngày hết chế độ bao cấp, xã hội đổi mới, vòi nước công cộng bị gỡ đi, gầm cầu bị xây bít lại, không biết mẹ con nhà cô Bắc điên kiếm kế sinh nhai thế nào, ăn ở nơi đâu ?

Xin cảm ơn mọi người đã xem và góp ý ạ !

Sưu tầm.

Chuyên mục: Cuộc sống

4 ( 3 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất