Món thạch tươi mát giải khát mùa hè làm từ lá sương sâm

Nguyễn Mai 443

Thạch làm từ lá sương sâm là món giải khát quen thuộc của nhiều người mỗi khi hè đến. Không chỉ là món ăn thanh mát dân giã mà loại lá này còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, mời bạn đọc tìm hiểu ngay trong bài viết này.

1. Lá sương sâm là gì?

Đây là cây mọc hoang trong tự nhiên, có tên khoa học là Tiliacora triandra thường được gọi là sâm sâm, lá mối, dây xanh leo, xanh tam,… Cây phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở nước ta, sương sâm thường mọc ở vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. 

Sương sâm là loại cây thân leo
Sương sâm là loại cây thân leo

Sương sâm là một loại cây dây leo, thân có hoặc không có lông mịn tùy loại. Cây có chiều dài trung bình từ 3 đến 5m, thậm chí có thể dài tới 10m với những cây sống lâu năm. Rễ cọc, ăn sâu vào lòng đất. Lá sương sâm có lông phủ mềm, hình tim, chiều dài khoảng 6 – 11cm, rộng khoảng 2 – 4cm. Hoa mọc thành từng chùm, màu vàng. Quả cứng và dài khoảng 10 – 12mm, có hình trái xoan. 

2. Phân loại lá sương sâm

Có 2 loại là: sương sâm lông và sương sâm trơn (láng), đều thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Phân biệt 2 loại lá này không khó, sau đây là đặc điểm của từng loại sương sâm:

  • Sương sâm lông: Lá phủ một lớp lông ở mặt dưới, cuống lá ngắn và có màu xanh nhạt hơn sương sâm trơn, chiều dài khoảng 6 – 10cm và rộng khoảng 4 – 9cm
  • Sương sâm trơn: Phiến lá cứng, không có lông bao bọc, lá trơn, có màu xanh nhạt khi non và đậm dần khi về già, chiều dài khoảng 9cm và rộng khoảng 4cm
Có 2 loại lá sương sâm phổ biến
Có 2 loại lá sương sâm phổ biến

3. Lá sương sâm có những tác dụng gì?

Trong lá này chứa hàm lượng pectin rất cao, chiếm tới 15,87%, đây là một chất xơ hòa tan có tác dụng giảm cholesterol trong máu, chữa các bệnh liên quan đến đường ruột. Ngoài ra còn chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như protein, vitamin C, đường khử, nước, cellulose.

Lá sương sâm đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe
Lá sương sâm đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe

Lá sương sâm có tính mát, có tác dụng làm nhuận tràng, lợi tiểu, hạ sốt, giải độc, hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường. Thêm vào đó, thảo dược này còn làm mát cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa táo bón ở bà bầu, giảm cân. 

4. Các bài thuốc sử dụng lá sương sâm chữa bệnh

Lá này có thể thu hoạch quanh năm, sau khi hái về đem rửa sạch rồi phơi khô để dùng dần. Dược liệu này có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, bạn có thể tham khảo và áp dụng:

  • Chữa sốt lỵ, tiểu tiện khó khăn: Vò nát 50g lá tươi, sau đó cho một ít nước đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước, chờ dung dịch đông lại rồi sử dụng
  • Trị tiểu đường, táo bón, miệng khô: Đun sôi tất cả dược liệu: 30 – 60g lá sương sâm, 30g rau đắng, 45g rung rúc và uống
  • Chữa thủy đậu: Dùng 12g sương sâm, 12g lá bồ công anh, 12g rễ tục đoạn, 12g rễ cây phục sinh, 12g cỏ nhọ nồi, 6g hoa mộc miên, 8g hoài sơn, đem sắc tất cả dược liệu và uống
  • Chữa cảm mạo, đau cơ xương khớp, huyết áp cao: Rửa sạch 30g lá này, vò nát lấy nước và ăn
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá sương sâm
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá sương sâm

5. Lá sương sâm sử dụng trong các món ăn hàng ngày

Thạch sương sâm là món giải nhiệt dân dã được rất nhiều người yêu thích mỗi khi hè đến, bởi tính thanh mát và thơm ngon. Món thạch này có mùi vị đặc trưng của lá sương sâm, không quá ngọt, màu xanh lục bắt mắt, rất mềm và dẻo. Khi ăn thạch, bạn có thể cho thêm nước đường ngọt và đá để tăng hương vị.

6. Lá sương sâm mua ở đâu uy tín và bao nhiêu tiền?

Trên thị trường hiện nay bán 2 loại là lá khô và lá tươi. Bạn có thể tìm mua lá này ở các siêu thị, cửa hàng chuyên trồng sương sâm hoặc bán hàng thực phẩm thiên nhiên. Về lá tươi, giá dao động khoảng 50.000 đến 70.000 VNĐ/kg. Với lá khô thì mức giá cao hơn nhiều vì phải qua khâu chế biến, dao động từ 450.000 – 500.000 VNĐ/kg.

Trong bài viết này chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ thông tin về lá sương sâm, cách sử dụng, lợi ích cũng như các bài thuốc chữa bệnh. Chúc các bạn áp dụng thành công!

Chuyên mục: Cây thuốc namSức Khỏe