Quả hồng châu – loại quả dại nguy hiểm như lá ngón

Nguyễn Mai 262

Quả hồng châu là loại quả dại mọc nhiều ở các vùng núi của Việt Nam, chúng có ngoại hình bắt mắt khiến nhiều người nhầm tưởng có thể ăn được. Trên thực tế, quả này chứa thành phần độc tố có trong lá ngón, ăn vào có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để tìm hiểu về quả hồng châu cũng như cách phòng tránh ngộ độc, hãy cùng Tuổi trẻ và Sắc đẹp theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1. Giới thiệu về quả hồng châu

Quả hồng châu hay còn gọi là quả rom, quả mề gà, khua mật, móc quạ,… Hình dáng quả tròn to, vỏ nhẵn, khi non có màu xanh, cứng và dần chuyển sang tím đậm khi chín. Sau lớp vỏ là lớp thịt quả màu trắng đục, chứa nhiều nước. Mỗi quả có khoảng 4 đến 6 hạt nhỏ nhỏ như hạt ngô, màu tím, hơi dẹt.

quả hồng châu
Hồng châu là loại quả dại, có chứa độc tố tương tự như lá ngón

Cây hồng châu là loại cây dây leo, chúng thường bám vào các cây đại thụ để vươn lên. Thân màu xanh nhạt, rất dai và chắc. Trên thân mọc ra nhiều gai nhọn, cứng. Lá cây có dáng dài, màu xanh đậm, chiều ngang khoảng 4 – 5cm, chiều dài khoảng 11 – 12cm. Chúng mọc sát nhau và không nhận thấy dấu hiệu của sâu bệnh.

Loại cây này thường mọc hoang dại ở các vùng núi đá. Ở nước ta, chúng được tìm thấy ở các tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên,… Mùa quả chín thường vào tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Chính vì vậy, những tháng này thường ghi nhận số trẻ em ngộ độc quả rừng tăng cao. Tại Hà Giang ghi nhận trường hợp ngộ độc quả hồng châu chủ yếu là trẻ nhỏ từ 6 đến 12 tuổi.

2. Quả hồng châu có ăn được không?

Quả hồng châu có ngoại hình bắt mắt, mọc hoang và cho nhiều trái, phần thịt mềm khiến nhiều người lầm tưởng đây là loại quả rừng có thể ăn được. Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo tuyệt đối không ăn quả hồng châu. Các nghiên cứu chỉ ra trong quả này có thành phần độc tố tương tự với lá ngón. Hiện nay, nhà nước ta đang không ngừng sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền về mức nguy hiểm của loại quả này đến nhân dân, phòng tránh trường hợp ngộ độc xảy ra.

hồng châu
Có nhiều trường hợp ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn phải quả hồng châu

3. Tác hại của quả hồng châu

Khi ăn quả hồng châu có thể khiến nạn nhân bị ngộ độc nặng và dẫn đến tử vong. Cụ thể, trong hạt quả hồng châu chứa một lượng độc tố alkaloid. Khi đi vào cơ thể có thể gây ra ảnh hưởng lớn tới cơ tim, phổi và hệ tiêu hóa. Đây chính là thành phần chính trong cây lá ngón. Các nhà khoa học cho biết, một lượng rất nhỏ alkaloid có thể gây chết người, chúng được hấp thụ rất nhanh qua đường tiêu hóa, thời gian hấp thụ chỉ khoảng 5 – 30 phút và thời gian tử vong khoảng từ 1 – 7 giờ tùy lượng độc tố.

Thử nghiệm về độc tố của quả hồng châu trên động vật cho kết quả như sau:

  • Đối với thỏ, liều tối thiểu gây tử vong hoàn toàn thông qua đường tiêu hóa là 48g/1kg thể trọng
  • Đối với chuột cống trắng, liều tối thiểu gây ngưng tim cần 72g/1kg thể trọng

Các trường hợp động vật tử vong do ăn quả hồng châu ghi nhận là suy hô hấp và trụy tim.

tác hại của quả
Nhà nước vẫn có nhiều chính sách tuyên truyền, tăng nhận thức người dân về các quả dại trong rừng

4. Dấu hiệu khi bị ngộ độc quả hồng châu

Các trường hợp bị ngộ độc quả hồng châu không hề hiếm, hầu hết các nạn nhân khi bị ngộ độc có các biểu hiện tăng dần như sau:

  • Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, vã mồ hôi, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ, khó khăn trong cử động hoặc liệt
  • Đồng tử giãn mở rộng, sụp mí, hàm dưới bị liệt cơ khiến hàm bị tụt xuống, nạn nhân không thể ngậm được miệng
  • Hô hấp dần suy yếu, nhịp tim bắt đầu chậm lại, trong trường hợp nạn nhân bị huyết áp thấp có thể dẫn đến ngưng tim
  • Xuất hiện hiện tượng co giật, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong

5. Cách xử lý nhanh khi có người bị ngộ độc quả hồng châu

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho những người bị ngộ độc hồng châu. Bạn chỉ có thể cấp cứu nhanh nhằm loại bỏ các triệu chứng của chúng. Trước hết, hãy tìm cách đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Chú ý không để người bệnh đi bộ. Thực hiện các phương pháp sơ cứu sau trên đường đến bệnh viện.

sơ cứu khi ngộ độc
Khi ngộ độc hồng châu, nạn nhân cần được sơ cứu nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ tính mạng

5.1. Gây nôn ngay lập tức bằng biện pháp cơ học

Sau khi ngộ độc, nếu nạn nhân còn tỉnh táo cần lập tức gây nôn bằng biện pháp cơ học. Cụ thể, cho bệnh nhân uống một hơi hết cốc nước lớn. Sau đó dùng ngón tay ép chặt phần gốc lưỡi và ép cơ thể nôn ra càng nhiều càng tốt. Sau khi gây nôn bệnh nhân có thể nằm nghỉ. Tuy nhiên cần theo dõi sát sao và có phương án xử lý kịp thời cho những triệu chứng khác lạ.

5.2. Cho uống than hoạt tính

Than hoạt tính được dân gian sử dụng điều trị các bệnh về đường tiêu hóa. Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đã có hướng dẫn sử dụng than hoạt tính trong cấp cứu người ngộ độc thực phẩm. Đối với trường hợp ngộ độc do quả hồng châu, người lớn nên sử dụng 1g than hoạt tính/1kg thể trọng, trẻ em cần tăng lượng than lên 1 hoặc 2g cho 1kg thể trọng.

5.3. Sơ cứu nạn nhân co giật

Trường hợp nghiêm trọng nạn nhân có thể phản ứng co giật. Trước hết bạn cần giữ họ ổn định ở tư thế nằm nghiêng, nâng cằm mở rộng đường thở. Sau đó sử dụng vật mềm để bảo vệ đầu, tránh tổn thương đầu do co giật. Tuyệt đối không được cho vật gì vào miệng người đang bị co giật. 

Advertisement

ngộ độc
Cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất

5.4. Hô hấp nhân tạo

Nếu người bệnh thở yếu, có dấu hiệu ngừng thở cần hô hấp nhân tạo ngay lập tức. Có rất nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo khác nhau. Thông thường đối với nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm nên áp dụng phương pháp xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cần đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người thực hiện quỳ bên trái nạn nhân. Sau đó, dùng hai tay chồng lên nhau để trước tim rồi từ từ ấn sâu. Dần nới lỏng, đưa tay về và tiếp tục thực hiện đến khi nạn nhân tự thở được.

Lời khuyên tốt nhất để không xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với trái cây rừng nói chung và quả hồng châu nói riêng chính là: Tuyệt đối không ăn loại quả nào mà bản thân chưa biết về chúng. Đặc biệt là những quả mọc dại.

Trên đây là những thông tin về tác hại cũng như độc tính của quả hồng châu và cách xử lý nhanh khi gặp trường hợp ngộ độc quả này. Tuổi trẻ và Sắc đẹp hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn và đừng ngại chia sẻ đến những người xung quanh để phòng tránh những điều không may xảy ra với bất kỳ ai nhé!

Advertisement
Chuyên mục: Trái Cây

0 ( 0 bình chọn )

Tin liên quan

Tin mới nhất