Cách đây hơn 15 năm, ngày tôi vẫn còn là một cậu sinh viên năm thứ nhất. Gia đình tôi nghèo lắm, chẳng mấy khi đi ra khỏi nhà mà trong người có được 10 nghìn đồng. Vì vậy tôi xin đi làm ở một quán cà phê khu phố Tạ Quang Bửu gần đại học Bách khoa để kiếm chút tiền phụ giúp gia đình và có thêm chút tiền tiêu vặt.
Công việc chính của tôi là dắt xe của khách đến uống cà phê vào bãi xe rồi khi khách uống cà phê xong thì dắt xe ra trả cho khách.
Từ bé chỉ tiếp xúc với chiếc xe đạp và thân hình tôi cũng khá thấp bé nhẹ cân. Thời gian đầu lúc mới bắt đầu công việc, vì chưa có kinh nghiệm dắt xe nên tôi khá chật vật mỗi khi khách đến uống cà phê mà những vị khách đi những chiếc xe như SH, Dylan, PS thì thật sự tôi rất sợ.
Những chiếc xe đó là một tài sản quá lớn đối với tôi. Lúc nào cũng sợ không may có làm xước xe hay đánh đổ xe của khách. Chỉ một vết xước trên xe của khách thì vài tháng lương của tôi chắc không đủ đền cho khách.
Thật may mắn ngày đó có một cậu bé đánh giày tên là Nam người Tuyên Quang.
Nam thường hay ghé quán tôi làm để tìm kiếm khách có nhu cầu đánh giầy. Qua lời kể của em tôi được biết em kém tôi 4 tuổi, bố mẹ em đều mất sớm. Nhà có 2 anh em. Nam là anh lớn nên nghỉ học giữa chừng để xuống Hà Nội đánh giày kiếm tiền gửi về cho em gái đi học.
Cậu bé đó dáng người cũng giống như tôi, thấp bé, da ngăm đen và có một chút gì đó của dân bụi đời. Với đôi mắt sáng, luôn luôn lạc quan. Hàng ngày Nam lang thang khắp nơi trong khu vực phố Bạch Mai đến các quán cà phê khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cậu ấy khá là từng trải, cũng từng đi trông xe thuê nên khá là có kinh nghiệm trong việc dắt những chiếc xe quá khổ với thân hình. Những lúc khách đi những chiếc xe quá khổ vào quán cậu ấy rảnh sẽ giúp tôi dắt xe vào bãi.
Nam chỉ cho tôi làm sao để dắt được những chiếc xe một cách dễ dàng nhất, làm sao dựng chân chống giữa của xe. Nhờ đó chỉ hơn 10 ngày tôi đã dắt thành thạo những chiếc xe của khách.
Sau một tháng thì đến ngày nhận lương, vì tôi đi học buổi sáng nên chỉ làm 4 tiếng buổi chiều. Tháng tôi được 700 nghìn. Vừa lấy lương xong, đang thật vui vì những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được. Chiều tối hôm đó Nam hỏi tôi:
– Bao giờ anh lấy lương?
Tôi trả lời:
– Hôm nay anh vừa lĩnh 700 nghìn.
Nam ngập ngừng:
– Em muốn nhờ anh một việc, anh có thể giúp em được không?
Tôi trả lời:
– Việc gì em cứ nói đi?
– 4 ngày nữa là giỗ bố em. Anh có thể cho em vay 400 nghìn em về làm giỗ bố được không?
Bản thân tôi thì bố mẹ cũng mất sớm, tôi sống cùng ông bà từ nhỏ. Khi nghe Nam nói về quê giỗ bố tôi rất thương em. Tôi đồng ý cho Nam mượn 400 ngàn đồng. Tôi hỏi bao giờ em trở lại Hà Nội. Em bảo rằng chuyến này em về giỗ bố và cũng muốn tìm một công việc ở quê nếu như thuận lợi em sẽ không trở lại Hà Nội. Nếu như em không trở lại Hà Nội thì em xin tôi số tiền này. Nếu không tìm được việc ở quê thì em sẽ quay lại Hà Nội nhất định em sẽ trả lại tiền cho tôi.
Tôi nghe vậy tâm lý khá là bất an, lúc đó 400 nghìn với mình là một số tiền rất lớn. Nhưng đã chót đồng ý cho Nam vay tiền nên cũng gật đầu đồng ý.
Sau đó Nam về quê, một tháng rồi hai tháng không thấy Nam quay trở lại Hà Nội. Tôi lân la hỏi mấy đứa cùng đánh giày với Nam thấy chúng nó bảo Nam lừa tôi, chắc nó đi địa bàn khác để đánh giày rồi. Lúc đó tâm trạng tôi thật sự rất buồn, vì nghĩ mình đã đặt niềm tin sai đối tượng.
Tôi tiếp tục làm ở quán cà phê thêm một tháng nữa thì được một người bạn giới thiệu một công việc khác.
Bẵng đi 3 năm sau, tôi đã là sinh viên năm thứ 4.
Trong một lần đi vào cửa hàng sách gần đại học Bách khoa tìm mua tài liệu làm đồ án tốt nghiệp. Tôi đã gặp lại Nam. Vẫn dáng người gầy gò đó đang thoăn thoắt đánh giày cho khách. Tôi đi qua vỗ vào vai Nam cười khểnh:
– Lại quay lại Hà Nội rồi à?
Câu hỏi của tôi mang theo đầy sự châm biếm, kèm theo chút tức giận vì nghĩ Nam đã lừa tôi để chiếm đoạt 400 nghìn đồng kia. Nam nhìn tôi nó chào tôi, sau đó nó chỉ sang quán nước bên vỉa hè bảo tôi rằng:
– Anh vào quán nước ngồi đợi em, em đánh xong đôi giày cho khách rồi em sang nói chuyện với anh.
Tôi cũng vào quán nước gọi một cốc nước, trong lòng đầy sự tức giận. Nghĩ xem Nam sẽ lươn lẹo trả lời mình thế nào…
Tầm 7-8 phút sau Nam đánh xong đôi giầy cho khách. Sau đó đi vào quán nước gọi một cốc trà đá. Em mở hộp đồ nghề đánh giày ra, ở đáy em lấy ra một cái phong bì đưa cho tôi:
– Xin lỗi anh, ngày trước em về quê sau hôm giỗ bố 3 ngày thì em gái em bị tai nạn. Em phải ở nhà vừa đi làm vừa chăm sóc em gái. 6 tháng sau em quay lại Hà Nội thì anh nghỉ việc ở quán rồi. Em vẫn chờ có ngày được gặp lại anh để trả lại số tiền này cho A.
Tôi mở phong bì đã sờn cả bì ra, đúng 4 tờ 100 nghìn. Cảm giác mọi cảm xúc trong tôi chết lặng. Tôi đã nghĩ sai cho Nam, đúng trên đời này vẫn còn những con người nghèo nhưng lòng tự trọng của họ thật cao quý. Tôi đã lấy bụng tiểu nhân đo lòng người quân tử. Tôi bảo Nam giờ tôi cũng không cần số tiền đó, bảo em cứ giữ lấy mà dùng phòng khi đau ốm. Nhưng Nam đã nói:
– Em biết đây là tháng lương đầu tiên của anh, đồng tiền kiếm được không dễ dàng gì. Em đã đợi tới hôm nay em trả tiền cho anh là em xong việc rồi. Từ ngày mai em lại về quê, nhà em đợt vừa rồi có người hỏi mua. Em sẽ bán một nửa đất đi lấy một ít vốn làm ăn. Cảm ơn A ngày đó đã tin tưởng em.
Tôi nhận 200 nghìn và đưa em 200 nghìn bảo rằng coi như anh góp 1 chút vốn vào việc tới của em.
3 năm sau trong một chuyến đi công tác lên Tuyên Quang tôi đã ghé thăm nhà Nam. Giờ em đã trở thành ông chủ của một vườn cam, và trang trại nuôi gần trăm con lợn. Nam coi tôi như anh trai của cậu, cậu bảo bất cứ khi nào tôi cần sự giúp đỡ hãy gọi cho cậu. Và cái tình anh em của chúng tôi đã duy trì đến nay hơn 11 năm rồi.
Tuyệt vời khi một con người không học hết cấp 2 như em nhưng lại có một nhân cách cao đẹp và và nghị lực vươn lên như vậy. . .
Bài và ảnh sưu tầm