Phần ba
TG : Cao Nguyen
Rồi ông Thà thiếp đi lúc nào không hay . Tỉnh dậy , mặt trời đã lấp ló ngọn tre. Vệ sinh cá nhân xong , ông ăn tạm bát cơm nguội . Cho vài bộ quần áo , ít tư trang cá nhân vào chiếc ba lô đã bạc màu , ông đạp xe đi trong vô định . Chậm rãi ,ông vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật ven đường . Chẳng biết đã đi cách nhà bao xa, đói bụng , ông tạt vào quán cơm ven đường . Đang ăn , thấy mấy người bàn bên trò chuyện việc xã nơi đây đang cần tìm người chèo đò . Ông bắt chuyện hỏi han thì họ nói muốn rõ tốt nhất gặp trực tiếp ông chủ tịch xã. Ông Thà hỏi đường đi tới ủy ban xã , họ nhiệt tình chỉ đường . Cơm nước xong xuôi , nghỉ ngơi một lúc rồi ông đạp xe tới ủy ban . Chưa tới giờ làm việc , ông phải đợi khoảng một tiếng . Gặp ông chủ tịch xã , sau màn bắt tay , ông Thà đặt vấn đề :
_Nghe nói xã đang cần tìm lái đò ?
Ông chủ tịch xã mừng rơn, kể chuyện :
_ Chả là trại điều trị bệnh phong mới tiếp quản doanh trại quân đội đóng quân bên kia sông . Đường tới trại phong phải qua một cây cầu, rồi đi dọc bờ sông khoảng hai mươi cây số , mới tới đường vào trại . Từ khi đơn vị bộ đội chuyển đi, con đường đó xuống cấp nghiêm trọng , lau lách mọc um tùm , đến người đi bộ còn khó khăn , nói chi đi xe cộ . Trại phong cần một người lái đò để rút ngắn quãng đường , và việc đi lại thuận tiện . Vì đối diện con đường vào trại phong , là làng quê chợ búa . Trại đặt vấn đề với xã . Xã thông báo tìm người nhưng nghe đến liên quan đến trại phong nên không ai nhận việc chèo đò.
Ông Thà vội nói :
_ Không ai nhận đồng chí để tôi .
Ông chủ tịch mừng như bắt được vàng , thở phào nhẹ nhõm :
_Thế thì tốt quá , hoan nghênh tinh thần đồng chí .
Ông Thà đưa giấy tờ cá nhân trình ông chủ tịch . Ông chủ tịch vui vẻ cười :
_Đồng chí vốn là bộ đội . Đúng là vì nhân dân quên mình . Hôm nay đồng chí về nhà tôi cơm nước , ngủ nghê đã .
Ngay sáng hôm sau, ông chủ tịch dẫn ông và một số đồng chí trong các ban ngành liên quan ra bến sông . Đứng trên bãi bồi ông chỉ : chỗ bờ bồi cao này chúng tôi sẽ làm cho đồng chí căn nhà ngói xi măng ba gian và cái bếp nhỏ . Xã không có khoản kinh phí nào để trả lương cho đồng chí nên đồng bãi khu vực này giao hết cho đồng chí tự cung tự cấp . Ông Thà trở thành người lái đò từ đó .
Bến đò của ông ít khách . Bởi người ta ngại xuống con đò chở người bệnh phong . Còn người bị bệnh phong thì mặc cảm, ngại không dám sang đò để chợ búa vì sợ người đời hắt húi , ghẻ lạnh . Ông Thà trở thành người tiếp phẩm cho trại ban ngày và chở người bệnh ban đêm .
Chiều chiều những người bệnh phong cứ đứng như xếp hàng dưới tán cây đa cổ thụ bên sông , đợi ông mang những thứ họ nhờ mua bán . Lần đầu tiên ông thấy họ , tim ông như bật khỏi lồng ngực , người ông bủn rủn . Ông kịp trấn tĩnh lại , rồi quen dần . Theo nguyện vọng của họ , ông chèo những chuyến đò đêm đưa họ sang sông , để nhìn ngắm làng quê cho đỡ nhớ nhà. Ông hoà nhập vào cộng đồng người bệnh phong lúc nào không biết . Ông quên đi bi kịch của chính mình .
*****
Nói thế nhưng không phải đợi đến đêm , một lúc sau chồng Dung đã trở lại với tờ giấy trong tay . Anh ta đứng từ xa :
_ Cô phải thông cảm tôi là con trai duy nhất trong nhà . Đây là tờ giấy ly hôn , cô ký vào cho tôi . Con trai để cô nuôi vì chắc nó cũng bị bệnh như cô , cô đi điều trị thì điều trị luôn cho nó . Đây là tư trang tài sản của cô , trong đó tôi đã để thêm ít tiền cho cô đi chữa bệnh . Anh ta để đứa con được quấn trong chiếc chăn nhỏ và túi du lịch đựng tư trang lên chiếc bàn nhỏ . Cô vội vàng chạy đến ôm lấy thằng bé và ký tên vào tờ giấy ly hôn . Anh ta thấy vậy vội chạy lùi lại cách xa cô . Đêm đó hai mẹ con Dung ra ga đi chuyến tàu đêm , tìm về trại phong cách quê chồng mấy trăm cây số . Nghe xong câu chuyện của Dung , ông Thà ngậm ngùi :
_ Thôi . Mọi chuyện đã xảy ra rồi . Đêm nay cô ở lại đây , ngày mai tôi sẽ đưa cô đến trại phong . Riêng cháu bé thì phải tính , bệnh phong không di truyền , nếu cháu bé chưa bị lây thì không thể để cháu bé theo cô được .
Dung ngạc nhiên :
_Thật thế không hở anh ?
Ông Thà mỉm cười :
_Thật hay không thì mai phải đưa cháu đi kiểm tra mới biết được.
Đã có tiếng gà gáy xa xa . Ông Thà bảo :
_ Mẹ con cô vào giường mà ngủ , tôi mắc võng nằm ở ngoài sân .
Nói rồi ông đi ra mở ba lô lấy chiếc võng dù , khép cửa lại , buộc hai đầu chiếc võng vào hai cây ổi . Dung bế con tần ngần không dám nằm giường , kéo manh chiếu nơi góc nhà , cô ôm con nằm xuống . Sáng hôm sau , khi nhưng tia nắng mặt trời đang le lói phía chân trời , ông Thà đánh tiếng bước vào nhà . Thấy Dung ôm con ngồi thui thủi trong xó tối , ông gắt lên :
_ Cô này lạ thật , tôi có ngại gì đâu .
Dung lại khóc lên nức nở :
_Cả đêm qua em không sao ngủ được . Anh ơi trăm sự nhờ anh . Có nơi nào tử tế cho con em làm con nuôi được không ?Nhìn đôi mắt thâm quầng và khuôn mặt như quắt lại của Dung, ông
Thà rưng rưng , tim ông như thắt lại . Ông hết đi ra lại đi vào
Sau cùng ông đắn đo :
_Tôi có người bạn đồng ngũ không có con, muốn có đứa con nuôi . Nhưng trước khi giao cháu cho bác ấy , phải đi kiểm tra sức khỏe đã
Dung thoắt vui hẳn lên :
_Vâng . Thế thì tốt quá rồi . Con em chắc không bị lây đâu, vì em mất sữa từ lúc sinh cháu.
Ông Thà nhẹ nhàng :
_Cô nghĩ kỹ đi . Nếu quyết thì như thế thì ta cho cháu vào viện kiểm tra . Hôm nay tôi không có đò ngày, chỉ có một chuyến đò đêm . Tôi đi cùng cô. Cố gắng đi sớm , chiều ta về .
Dung mỉm cười gật đầu . Ăn tạm mấy bắp ngô luộc từ hôm trước , ông Thà đèo hai mẹ con Dung ra bến xe . Gửi xe ở bến , ông Thà cùng hai mẹ con Dung đi xe khách đến viện . Kết quả , bệnh viện kết luận : ” Cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh ” . Ông Thà mừng rỡ :
_Thế là tốt rồi, ta mang cháu đến nhà bác ấy thôi . Đến cổng , cô phải ở ngoài vì chân tay cô thế này .
Dung hiểu ý cười :
_ Vâng . Trăm sự nhờ anh . Mọi việc diễn ra đúng như ý định , để lại đứa bé cho bạn đồng ngũ của ông Thà , Dung cùng ông ra về .
Ngay tối hôm đó , Dung được các bệnh nhân phong đi chuyến đò đêm của ông Thà đưa về trại phong cùng họ .
( Còn nữa )